Các cuộc biểu tình bước vào ngày thứ ba với nỗ lực lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak sau 32 năm nắm quyền. Ít nhất 1.000 người đã bị bắt. Abdul-Rahman Samir, người phát ngôn của nhà cải cách hàng đầu Ai Cập Mohamed ElBaradei, cho biết ông sẽ trở về nước để tham gia biểu tình chống Chính phủ vốn đang phủ bóng đen lên quốc gia Trung Đông này.
|
Những người biểu tình xung đột với cảnh sát tại Cairo. Ảnh: Reuters |
Theo AP, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế ElBaradei trở về thủ đô Cairo vào tối 27-1 (giờ địa phương) và sẽ tham gia vào các cuộc biểu tình trên đường phố dự kiến diễn ra hôm nay (28-1). Hãng tin này cũng cho rằng, kể từ khi ông ElBaradei lần đầu tiên về nước vào năm ngoái, ông được biết đến là đối thủ chống lại Chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak và được sự ủng hộ của các nhà cải cách. Sự trở về lần này của ông ElBaradei có thể kích động các cuộc biểu tình vốn đến nay vẫn thiếu thủ lĩnh.
Một người biểu tình và một cảnh sát thiệt mạng vào ngày 26-1, nâng số người chết trong các cuộc biểu tình trong 3 ngày qua lên 6 người. Tại các đường phố trên khắp Ai Cập, những người biểu tình do tức giận trước sự đói nghèo của đất nước và tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng cao đã ném đá vào cảnh sát, phá vỡ cửa kính của các xe quân sự. Ít nhất 1.000 người đã bị bắt giữ. Theo AFP, biểu tình là phản ứng domino từ Tunisia và là sự phản đối của dân chúng mạnh mẽ nhất kể từ khi cuộc bạo động làm rung chuyển đất nước vào năm 1977, tức 4 năm trước khi ông Mubarak lên nắm quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton kêu gọi Ai Cập thực hiện cải cách sâu rộng và không trấn áp đám đông biểu tình. Bà thúc giục Chính phủ của ông Mubarak nắm bắt cơ hội để tiến hành cải cách chính trị, kinh tế, xã hội, đáp ứng mối quan tâm hợp pháp của người dân. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mubarak - người được cho là cai trị đất nước bằng “bàn tay sắt” - sẽ từ bỏ quyền lực hoặc chuyển giao Chính phủ trong dân chủ, hoặc kiềm chế được lực lượng an ninh của ông. Những người chỉ trích cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 năm ngoái là gian lận nên các ứng viên của Đảng Dân chủ quốc gia cầm quyền giành thắng lợi.
Cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới. Người dân Ai Cập cho rằng, vị Tổng thống 82 tuổi này muốn nắm giữ quyền lực hoặc chuyển giao cho Gamal, con trai của ông. Cũng như Tunisia, người dân Ai Cập than phiền về việc giá cả gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và nhà cầm quyền dựa vào an ninh để điều hành đất nước. Hiện 2/3 trong 80 triệu dân Ai Cập dưới 30 tuổi và 90% trong số họ thất nghiệp. Khoảng 40% sống dưới mức 2 USD/ngày và 1/3 mù chữ. Thêm vào đó, tham nhũng và sự chênh lệch xã hội tạo ra những đe dọa cho Chính phủ Mubarak khi cả ông lẫn Gamal đều không cải thiện được cuộc sống của người nghèo.
Tin đồn về việc gia đình của Tổng thống Mubarak bỏ chạy khỏi đất nước đã bị một quan chức cấp cao trong Chính phủ bác bỏ. Song, AP cho rằng, vẫn có khả năng nhà lãnh đạo này sẽ theo tấm gương của Tổng thống bị lật đổ của Tunisnia, ông Zine al-Abidine Ben Ali, phải lưu vong cùng với gia đình khi đối mặt với làn sóng nổi dậy từ trong nước.
PHÚC NGUYÊN