Làn sóng biểu tình đang lan rộng khu vực Trung Đông và Bắc Phi, với nhiều vụ xuống đường diễn ra ở Yemen, Iran, Bahrain.
Quân đội Ai Cập ngày 13-2 đã giải tán Quốc hội nước này - Ảnh: AFP |
Tại Iran, ít nhất hai người thiệt mạng, nhiều người bị thương và hàng chục người khác bị bắt giữ khi cảnh sát đụng độ với người biểu tình tại thủ đô Tehran ngày 14-2. Theo AFP, lực lượng an ninh đã phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông tại quảng trường Azadi. Đợt biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn người được đánh giá là lớn nhất kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2009. Tại Bahrain, một nước ở vùng Vịnh với 1 triệu dân, hàng ngàn người cũng xuống đường đòi cải cách chính trị. Cảnh sát buộc phải bắn đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông. Hai người biểu tình đã bị thiệt mạng. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Yemen bước sang ngày thứ sáu. Ngày 14-2, khoảng 3.000 người đã tập trung tại khu vực quảng trường Al Tahrir, thủ đô Sanaa, đòi cải cách chính trị và lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Biểu tình cũng diễn ra ở nhiều thành phố khác như Taiz, Aden và Hodeida... làm hàng chục người bị thương, theo Yemen Post. Còn tại Ai Cập, tình hình tiếp tục diễn biến căng thẳng khi làn sóng đình công thay thế làn sóng biểu tình bắt đầu lan rộng trên toàn quốc. Quân đội đã kêu gọi các công đoàn ngừng các cuộc bãi công, có sự tham gia của lực lượng cảnh sát, y tế... có thể làm ảnh hưởng thêm đến kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, quân đội cũng cảnh báo sẽ can thiệp bằng những biện pháp cứng rắn. Theo ghi nhận của cộng tác viên Tuổi Trẻ ở Ai Cập, những tin tức mới nhất từ Iran, Bahrain, Algeria và Yemen cho thấy bão tố dường như đã nổi lên trên vùng đất Tây Á và Bắc Phi vốn đã không bình yên từ nhiều năm qua. Các nước khu vực này mỗi nơi một vẻ nhưng mang nhiều nét đặc trưng hết sức phức tạp về sắc tộc, đó là mâu thuân sâu sắc giữ người Do Thái và người Ả Rập và giữa các nhóm người Ả Rập với nhau; mâu thuân tôn giáo giữa người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo (nhất là tại Libăng), giữa người Hồi giáo Sunni và Shiit; mâu thuẫn giữa tầng lớp lãnh đạo có nhiều đặc quyền đặc lợi, tham những với dân chúng rất khổ cực. Phần lớn các nước Trung Đông đều giàu tài nguyên dầu lửa, nhưng những tài nguyên này và kể cả các thành quả kinh tế nếu có, dường như không mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Chính vì vậy, có thể thấy tình hình tại khu vực Trung Đông là khó dự đoán.
Theo TR.PHƯƠNG - NGỌC QUANG (Tuổi trẻ online)