(ĐNĐT) - Các cuộc biểu tình tại Bahrain và Libya đã biến thành bạo lực khi đã có ít nhất 8 người chết và nhiều người khác bị thương.
Một người biểu tình bị thương được đưa đến bệnh viện Manama ngày 17-2-2011. Ảnh: AFP |
Tại Bahrain, ít nhất 4 người đã thiệt mạng vào sáng 17-2 khi cảnh sát Bahrain tiến vào thủ đô Manama để giải tán những người biểu tình ra khỏi khu vực bùng binh Pearl Roundabout.
Cảnh sát đã sử dụng gậy gộc, xịt hơi cay để tấn công người biểu tình và giờ đây, một số xe tăng đã xuất hiện trên một số con đường.
Trong 2 ngày qua, chính quyền nước này bỏ mặc người biểu tình. Tuy nhiên, vào lúc 3 giờ 00 sáng ngày 17-2 (24 giờ 00 giờ GMT), cảnh sát đã thay đổi chiến thuật. Hàng trăm cảnh sát đội mũ trắng đã tiến vào bùng binh để trấn áp họ. Có thông tin cho rằng ít nhất 100 người đã bị thương.
CNN cho biết, toàn bộ khu vực đó đã bị bao vây bởi khoảng từ 500 đến 1.000 cảnh sát. Hàng chục xe cộ xếp hàng dài trên đường cao tốc để giám sát khu vực bùng binh cùng với các máy bay trực thăng trên đầu. Cảnh sát đã chiếm các vị trí nhằm tạo ra một vành đai dài khoảng một dặm xung quanh bùng binh nhằm ngăn không cho người dân vào đó.
Ibrahim Sherif, người của đảng Waad thế tục, nói với phóng viên BBC rằng: “Chúng tôi khẳng định có 2 người đã chết, một ông già 65 tuổi và một thanh niên, người thứ ba trong tình trạng nguy kịch”. Ngoài ra, ông còn nói rằng đã có nhiều xe cứu thương đang chở những người bị thương đến bệnh viện chính của Manama.
Tại Libya, các trang web đối lập và tổ chức phi chính phủ cho biết, ít nhất 4 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh vào ngày 17-2 giữa lúc nước này đang đố mặt với “Ngày nổi giận” trên toàn quốc, do các nhà hoạt động phát động trên mạng internet.
Tổ chức Libya Watch cho biết: “Lực lượng an ninh quốc tế và các du kích thuộc Ủy ban Cách mạng đã sử dụng đạn thật để giải tán một cuộc biểu tình hòa bình của đoàn than niên Al-Baida, làm chết ít nhất 4 người và một số người bị thương”.
Phạm vi của cuộc biểu tình ngày 17-2 sẽ là bài trắc nghiệm đối với ông Kadhafi (Gaddafi), người đã lên nắm quyền kể từ năm 1969.
Ngày 14-2, một nhóm các nhà hoạt động trên Facebook đã kêu gọi “Ngày nổi giận” tại Libya với số lượng 4.400 thành viên đã tăng lên 9.600 thành viên vào ngày 16-2, theo sau vụ nổi loạn tại Benghazi.
Quang Hiển