Bình Dương công bố 4 nền tảng chuyển đổi số

(PLVN) - Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Sở Thông tin Truyền thông (TT-TT) tỉnh Bình Dương vừa chính thức công bố 4 nền tảng chuyển đổi số của tỉnh gồm “Hệ thống phòng họp không giấy tập trung; Hệ thống định danh, xác thực điện tử (SSO) và Trung tâm/Bộ phận xử lý tin giả; Hệ thống an toàn thông tin theo cấp độ”.

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu

Ông Nguyễn Hữu Yên – Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bình Dương cho biết, công bố các nền tảng số là dịp để nhìn lại những kết quả đã đạt được và hướng tới những mục tiêu cao hơn trong tương lai. Hiện nay, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý và điều hành giúp nâng cao hiệu quả công việc và tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh.

Các nền tảng số Bình Dương gồm có hệ thống phòng họp không giấy tập trung của tỉnh; Hệ thống định danh, xác thực điện tử (SSO) và Trung tâm/Bộ phận xử lý tin giả; Hệ thống an toàn thông tin theo cấp độ.

Các nền tảng chuyển đổi số được tỉnh Bình Dương công bố gồm: Hệ thống phòng họp không giấy tập trung của tỉnh; Hệ thống định danh, xác thực điện tử (SSO) và Trung tâm/Bộ phận xử lý tin giả; Hệ thống an toàn thông tin theo cấp độ.

Hệ thống phòng họp không giấy tập trung của tỉnh giúp giảm thiểu văn bản hành chính, đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời và chính xác.

Hệ thống được triển khai tại một số cơ quan, đơn vị như: Sở TT-TT, UBND TP. Tân Uyên, UBND huyện Dầu Tiếng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Dự kiến trong thời gian tới, hệ thống sẽ tiếp tục được mở rộng triển khai đến các cơ quan, đơn vị còn lại.

Hệ thống định danh, xác thực điện tử (SSO) sẽ giúp bảo vệ danh tính, tài khoản, dữ liệu người dùng trên các hệ thống chuyên ngành. Đây là giải pháp toàn diện cho nhu cầu định danh và xác thực trong thời đại số hóa. Hệ thống này giúp phát triển các dịch vụ trực tuyến, phục vụ Chính quyền điện tử.

Còn hệ thống an toàn thông tin theo cấp độ sẽ bảo vệ các hệ thống thông tin phù hợp với rủi ro an ninh mạng và vai trò của hệ thống trong hoạt động của tổ chức, ngăn chặn và giảm thiểu các sự cố bảo mật. Việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ đảm bảo an toàn thông tin là yêu cầu quan trọng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, bộ phận xử lý tin giả sẽ tiếp nhận phản ánh tin giả, phân loại, xác minh và công bố tin giả, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết và phòng tránh tin giả. Đây là bộ phận đầu mối tiếp nhận phản ánh từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua Hệ thống 1022.

Chìa khoá của tăng trưởng

Theo đề án chuyển đổi số của UBND tỉnh Bình Dương, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Tỉnh xác định một trong những công cụ quan trọng để xây dựng thành phố thông minh thì chuyển đổi số chính là chìa khoá của sự tăng trưởng. Do đó, các nguồn lực tập trung đánh giá những tác động của của chuyển đổi số đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng thành phố thông minh.

Đề án chuyển đổi số của UBND tỉnh Bình Dương, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh.

Bình Dương đã thực hiện “Đề án Thành phố thông minh” bắt đầu từ năm 2016 và luôn bám chặt chuyển đổi kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa. Được hỗ trợ và truyền cảm hứng từ Cộng đồng Thông minh ICF của năm (2011) - Brainport Eindhoven (Hà Lan), sự nỗ lực và hỗ trợ từ Tổng công ty Becamex IDC, Bình Dương đã ứng dụng triệt để chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong những dự án cụ thể, nhằm xây dựng và phát triển Bình Dương ngày một "thông minh" hơn, tốt đẹp hơn và đáng sống hơn. Từ đó, một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo đang được phát triển mạnh mẽ tại Bình Dương, như: Trung tâm Điều hành Thông minh, EIU Campus với Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, Fablab, Trung tâm sản xuất tiên tiến; Trung tâm thương mại thế giới WTC… đã mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cộng đồng Bình Dương.

Các trụ cột số

Mục tiêu chi tiết của chương trình chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương là đẩy mạnh chuyển đổi số qua 4 trụ cột: “chính quyền số, kinh tế số, công dân số, xã hội số”. Các trụ cột này làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý điều hành của chính quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng. Đồng thời, thay đổi cách làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển; các ngành, các lĩnh vực trọng điểm thực hiện theo hướng tối ưu hoá, thông minh hoá, góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại” như nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra.

Tổ công nghệ số cộng đồng cùng tổ thanh niên tình nguyện đang hướng dẫn người dân thực hiện các ứng dụng số trong thủ tục hành chính tại TP. Bến Cát.

Về trụ cột chính quyền số, trước mắt, tỉnh Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, 100% hồ sơ công việc và kết quả giải quyết công việc thủ tục hành chính IOC qua 4 kho dữ liệu của tỉnh. Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính được cung cấp ở mức độ 4, trong đó 30% là dịch vụ sáng tạo.

Về trụ cột phát triển kinh tế số, Bình Dương xác định đến năm 2025 GRDP đồng điện tử đạt 80%; sử dụng nền tảng số (SMB) đạt trên 50%, không dùng tiền mặt đạt 50% trở lên. Đến năm 2030, đồng điện tử đạt 100%, SMB đạt trên 70%.

Đối với trụ cột xã hội số, Bình Dương phấn đấu đến năm 2025 công dân dưới 15 tuổi thanh toán trực tuyến đạt 80%; cáp quang đạt 95%; hồ sơ sức khoẻ điện tử đạt 90%; kho học số liệu mở đạt 80%. Đến năm 2030, công dân dưới 15 tuổi thanh toán trực tuyến đạt 95%; cáp quang đạt 100%; hồ sơ sức khoẻ điện tử đạt 95%; kho học số liệu mở đạt 95%.

10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy Bình Dương về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

Trong đó chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; phát triển dữ liệu, ứng dụng nền tảng số dùng chung và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin… Bình Dương ưu tiên chuyển đổi số các lĩnh vực: Quy hoạch và quản lý đô thị; sản xuất công nghiệp; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải và logistics; nông nghiệp; y tế; giáo dục; văn hoá và du lịch.

Đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bình Dương đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số.

Nghị quyết của Tỉnh uỷ giao các cấp ủy Đảng chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cấp do người đứng đầu chính quyền các cấp làm Trưởng ban.

Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo thể chế hóa Nghị quyết, xây dựng cơ chế chính sách; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo lộ trình.

Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và các đề án, chương trình, kế hoạch tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chỉ đạo rà soát, kiến nghị Trung ương, HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, mô hình, kinh doanh mới, nội dung số; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực, kinh phí hàng năm thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết.

Đọc thêm