Mâu thuẫn từ việc chơi hụi
Bà Lê Thị Năm (SN 1958, ở phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) trình bày, vào năm 2011 và 2012, bà có chơi các dây hụi do bà Trần Thị Thu (SN 1969, trú phường Bình An, thị xã Dĩ An) làm chủ hụi.
Đến cuối năm 2012, bà Năm tham gia chơi tổng cộng 5 dây hụi và đều do bà Thu làm chủ hụi. Sau 4 dây hụi đầu, bà Thu vẫn còn nợ bà Năm số tiền 16,8 triệu đồng. Ngày 5/11/2012, bà Năm tiếp tục chơi dây hụi thứ 5, với số tiền 7,5 triệu đồng/nửa tháng, trong 24 tháng với 24 người chơi.
Theo thỏa thuận, kỳ đầu tiên vào ngày 5/11/2012 bà Năm sẽ hốt 23 phần hụi với tổng số tiền hơn 127 triệu đồng. Tuy nhiên khi đó bà Thu bất ngờ lấy lý do bà Năm ở xa và sợ bà không đóng nổi số tiền lớn nên đề nghị bà Năm dừng lại không chơi nữa.
Khi đó, bà Thu cộng số tiền mà bà Năm phải đóng hụi trong dây hụi ngày 5/11 với số tiền hụi “chết” phải đóng là 172,5 triệu đồng, trừ đi số tiền mà bà Năm đã hốt hụi (thỏa thuận miệng nhưng thực tế bà Năm chưa nhận) là 127,35 triệu đồng, cộng với số nợ 16,8 triệu đồng trước đó, còn lại 28,3 triệu đồng.
Để ghi nhận việc bà Năm còn nợ mình số tiền 28,3 triệu đồng, bà Thu đã viết giấy viết tay. Ngày 29/1/2013, bà Thu bất ngờ gọi bà Năm đến nhà và nói rằng nếu không trả số nợ trên thì sẽ tính tiền lãi lên gấp đôi. Hai bên lời qua tiếng lại nên xảy ra xô xát.
Vụ việc được Công an phường Bình An hòa giải. Tuy nhiên, tháng 3/2013, bà Thu bất ngờ làm đơn khởi kiện ra TAND thị xã Dĩ An, buộc bà Năm phải trả số tiền hơn 200 triệu đồng mà theo bà Thu đây là “số tiền hụi bà Năm chưa đóng”.
“Việc khởi kiện là không có cơ sở”
Ngày 7/6/2013, TAND thị xã Dĩ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hụi” giữa hai người.
Phía nguyên đơn trình bày, bà Năm chơi 2 dây hụi bắt đầu từ ngày 20/2/2012. Cả 2 dây hụi, bà Năm đều còn nợ 11 tháng tiền hụi chưa đóng, tổng cộng số tiền nợ 2 dây hụi là 44 triệu đồng.
Đến dây hụi ngày 5/11/2012, “bà Năm đã hốt phần hụi số tiền 127,5 triệu đồng nhưng sau đó không đóng kỳ hụi nào. Như vậy bà Năm còn nợ tiền hụi chưa đóng là 172,5 triệu đồng”. Tổng cộng số tiền mà phía nguyên đơn yêu cầu bà Năm phải trả là 216,5 triệu đồng.
Trái lại, bà Năm cho rằng, chính bà Thu đã tự tay viết giấy chốt nợ về việc bà Năm nợ bà Thu số tiền 28,3 triệu đồng.
Hội đồng xét xử nhận định, từ tình hình thực tế, thành viên chơi hụi khi “hốt” hụi thì có ký vào sổ của chủ hụi nhưng khi đóng tiền hụi cho chủ hụi thì thường không cần yêu cầu chủ hụi ký nhận. Trường hợp này cũng tương tự.
Mặt khác, ngoài lời trình bày miệng thì phía nguyên đơn không có gì chứng minh bà Năm chưa đóng tiền hụi “chết” cho bà Thu. Thêm vào đó, thực tế nếu các dây hụi trước bà Năm chưa đóng hết tiền thì bà Thu là chủ hụi sẽ không cho bà Năm tham gia dây hụi tiếp theo.
Từ những tài liệu và lời khai hai bên cung cấp cũng như tình hình thực tế, Tòa nhận định không có chứng cứ gì chứng minh bị đơn chưa đóng tiền hụi cho nguyên đơn, và việc yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - bà Trần Thị Thu là không có cơ sở chấp nhận.
TAND thị xã Dĩ An cho rằng việc khởi kiện của bà Thu là không có cơ sở |
Bản án phúc thẩm chưa thỏa đáng?
TAND tỉnh Bình Dương khi tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án vào tháng 9/2013 đã đưa ra những lập luận và phán quyết hoàn toàn ngược lại, mặc cho lập luận đó có sự lập lờ và chưa thuyết phục.
Theo đó, Toà phúc thẩm cho rằng bà Thu không có chứng cứ chứng minh bà Năm thiếu 22 triệu đồng tiền hụi. Tuy nhiên, vì bà Năm thừa nhận phần hụi này bà phải đóng cho bà Thu 18 triệu đồng nên bà Năm phải thanh toán số tiền này cho bà Thu.
Tương tự, ở dây hụi ngày 20/2/2012, ngày kết thúc 20/9/2013, bà Thu không thể chứng minh được bà Năm thiếu tiền hụi của mình. Tuy nhiên, vì bà Năm thừa nhận bà phải đóng lại cho bà Thu 16 triệu đồng nên nghiễm nhiên bà Năm phải thanh toán.
Trước lời khai “hài hước” của bà Thu rằng, bà có viết giấy trừ tiền với số tiền còn lại là 28,3 triệu đồng cho bà Năm, tuy nhiên “do lúc đó trời tối bà Năm bị cận thị nên nhờ bà viết, bà viết theo ý của bà Năm nhưng bà không có ký tên xác nhận và không rõ bà Năm kêu viết vậy với mục đích gì”, Toà lại không hề làm rõ?.
Liệu bà Thu - người vốn là chủ hụi nhiều năm kiêm cho vay tiền lấy lãi lại có thể dễ dàng viết giấy theo ý người khác mà không biết mục đích.
Ngoài ra, toà cho rằng số nợ hơn 28 triệu chốt lại không có căn cứ chấp nhận, bởi bà Năm vẫn tiếp tục chơi hụi và: “không ai chơi hụi, sau khi hốt hụi thì đóng lại toàn bộ tiền hụi chết ngay” (?).
Từ việc cho rằng lời khai của bà Năm là không có căn cứ, không thể chứng minh, Toà phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và ra phán quyết ngược lại bản án sơ thẩm, buộc bà Năm phải trả cho bà Thu số tiền 206,5 triệu đồng. Bà Năm choáng váng, suy sụp khi có giấy trắng mực đen rành rành nhưng vẫn không thể chứng minh được số tiền mình nợ.
“Trước khi TAND thị xã Bình Dương xét xử sơ thẩm, việc xét xử đã bị hoãn một lần, lý do là lời khai bà Thu không có chứng cứ xác thực. Sau đó Toà sơ thẩm cũng đã bác đơn khởi kiện của nguyên đơn vì không có cơ sở. Cũng vụ việc ấy, vậy mà đến toà phúc thẩm lại xử ngược lại…”, bà Năm khổ sở.
Sau phiên tòa phúc thẩm, gia đình bà Năm làm đơn gửi TAND Tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Vừa qua, gia đình có đơn gửi lên Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An đề nghị hoãn thi hành án vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuy nhiên không được chấp nhận.
Điểm mấu chốt chưa được làm rõ
Theo luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh điểm mấu chốt của vụ án này là bà Năm có thực sự nhận 127,5 triệu đồng tiền hụi vào ngày 05/11/2012 hay không? Ngoài việc tuyên án khi chưa làm rõ nội dung này, việc xét xử phúc thẩm còn nhiều uẩn khúc vô lý và không đúng thực tế.
Thứ nhất, Toà xét xử khi chưa đủ chứng cứ là sổ hụi: Theo Điều 9 Nghị định 144 quy định, bà Thu là chủ hụi bắt buộc phải lập và giữ sổ hụi và phải ghi chép đầy đủ và ký nhận khi thành viên góp hụi và lĩnh hụi.
Trên thực tế, bà Thu lập giấy tờ chỉ bắt bà Năm ký nhận khi lĩnh hụi nhưng ngược lại bà Thu không ghi và ký tên khi bà Năm góp hụi (ký 1 chiều bà Thu giao tiền). Cấp phúc thẩm lại sai sót không làm rõ nghĩa vụ của bà Thu trong vai trò chủ hụi và chứng cứ là sổ hụi đã ghi chép, ký nhận thực hiện đúng Nghị định 144 hay chưa.
Thứ hai, Toà đã nhầm lẫn quyền và nghĩa vụ của chủ hụi với người tham gia hụi: Toà sử dụng chứng cứ do bà Thu lập ra (ký 1 chiều bà Thu giao tiền) để buộc bà Năm trả 127,35 triệu đồng là không khách quan, phiến diện, không đúng thực tế, thậm chí quy kết hành vi.
Cấp phúc thẩm có sự nhầm lẫn về quyền và trách nhiệm của các bên khi mà trách nhiệm bị dồn sang bà Năm (thành viên phải chứng minh việc góp hụi), trong khi bà Thu là chủ hụi phải chịu trách nhiệm (chủ hụi không lập sổ hụi đầy đủ khi góp và lĩnh) khi làm sai quy định Nghị định 144, giúp chủ hụi chối bỏ trách nhiệm pháp lý và trái với thực tế.
Thứ ba, cho dù cố kết luận thiếu căn cứ nhưng cấp phúc thẩm vẫn áp dụng sai pháp luật khi buộc bà Năm thanh toán số tiền mà bà Thu đóng thay 172,5 triệu đồng:
Trong 3 dây hụi của vụ án, mặc dù hụi không tính lãi nhưng hụi chơi theo hình thức ai yêu cầu số tiền góp ít nhất thì được hốt, do đó những người muốn hốt hụi sớm hơn thì đều chịu thiệt vì số tiền thu lại ít hơn số tiền mặc định hàng tháng.
Tại dây hụi 3, tiền đóng hụi là 7,5 triệu đồng/15 ngày, số hụi viên tham gia là 24 người, thời hạn là 24 tháng (từ ngày 05/11/2012 đến 20/10/2013). Kỳ lần hụi thứ 1 vào ngày 05/11/2012 bà Năm hốt hụi với 23 phần là 127,35 triệu đồng (trung bình mỗi phần hụi là khoảng 5.536.957 đồng).
Cấp phúc thẩm căn cứ Điều 30 Nghị định 144 “Trong trường hợp thành viên không góp phần họ khi đến kỳ mở họ thì thành viên đó phải thanh toán đủ phần họ còn thiếu tương ứng với thời gian chưa thanh toán cho đến thời điểm kết thúc họ và bồi thường thiệt hại nếu có” để buộc bà Năm thanh toán bà Thu số tiền của dân hụi 3 ngày 05/11/2012: 23 phần hụi x 7.500.000 đồng = 172.500.000 đồng.
Nếu cấp phúc thẩm cố quy kết cho rằng số tiền 172.500.000 đồng mà bà Thu đóng thay cho bà Năm trong 23 kỳ hụi sau đó (đúng bằng số tiền bà Thu yêu cầu) thì cấp phúc thẩm cũng tính số tiền sai. Bởi tại quy định của Điều 30 Nghị định 144, số tiền thành viên đóng 23 lần hụi sẽ ít hơn nhiều số tiền 172.500.000 đồng.
Thứ tư, Không đánh giá toàn diện, đầy đủ và không sử dụng chứng cứ do bà Thu ghi: Trong vụ án, bà Thu đã ghi rõ “hụi hốt 16.850.000 + 127.350.000 = 144.200.000; chị Năm nợ 172.500 -144.200.000 = 028.300.000” phù hợp với diễn biến vụ việc, số tiền 127.350.000 đúng bằng số tiền bà Năm hốt hụi dây 3 vào ngày 05/11/2012.
Do hụi chơi theo hình thức ai yêu cầu số tiền góp ít nhất thì được hốt, do đó khi người tham gia không đủ điều kiện thanh toán thì chủ hụi không cho họ hoàn trả tiền hốt hụi mà buộc người tham gia phải chuyển sang khoản người tham gia vay mượn của chủ hụi (chủ hụi sẽ đóng thay) nhằm mục đích đảm bảo không mất tiền lời của cả dây hụi (tiền chênh lệch giữa tiền đề nghị hốt ít nhất và tiền quy định từng lần 7.500.000 đồng/lần).
Trong vụ án này, việc bà Năm tham gia dây hụi nhưng nay lại ra khỏi hụi nên bà Năm không được nhận tiền 127.350.000 đồng và phải chịu thiệt hại chênh lệch 172.500.000 đồng - 127.350.000 đồng = 45.150.000 đồng là đúng theo quy ước của người tham gia hụi họ, đúng theo phép tính do chữ bà Thu ghi và thời điểm bà Năm xin ra khỏi hụi.
Cũng theo luật sư Phượng, quy định tại Nghị định 144, vụ án này Tòa án cấp cao, Viện kiểm sát cấp cao có thể xem xét và hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại với đầy đủ chứng cứ và áp dụng đúng quy định pháp luật.