Tranh chấp hợp đồng tín dụng
Ngày 18/8/2011, ông Hộ và bà Lợi ký Hợp đồng tín dụng số 420/HĐTD với Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Thanh Thủy (QTD) vay số tiền 350 triệu đồng, mục đích đầu tư dịch vụ tắm nóng lạnh, thời hạn vay 12 tháng, với lãi xuất vay 2%/tháng; lãi xuất quá hạn và vi phạm hợp đồng 3%/tháng.
Hợp đồng được đảm bảo bằng tài sản là quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 132, tờ bản đồ số 11, diện tích 412m2 tại khu 3, thị trấn Thanh Thủy và tài sản gắn liền với đất gồm nhà xây cấp 3 diện tích là 240m2 theo sổ đỏ số AB 548987, giá trị đảm bảo hơn 601 triệu đồng.
Quá trình thực hiện hợp đồng ông Hộ, bà Lợi chỉ trả được một phần lãi xuất, do quá thời hạn quy định của hợp đồng không trả được nợ, nên QTD đã khởi kiện đề nghị TAND huyện Thanh Thủy giải quyết buộc ông Hộ, bà Lợi phải trả số tiền gốc là 350 triệu đồng và tiền lãi trong hạn cũng như quá hạn.
Về phía ông Hộ, bà Lợi cho biết, có vay tiền của QTD theo Hợp đồng tín dụng số 420 ngày 18/8/2011, song do gia đình ông, bà gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng công trình phục vụ kinh doanh bị chậm trễ nên chưa trả được đầy đủ nợ gốc và lãi. Ông bà cũng đã đề nghị QTD tạo điều kiện giãn nợ cho gia đình ông 24 tháng để gia đình ổn định kinh doanh và tiếp tục trả nợ.
Đến ngày 23/9/2014 (thời điểm TAND huyện Thanh Thủy xét xử vụ án) ông Hộ, bà Lợi còn nợ QTD tổng số tiền hơn 603 triệu đồng, trong đó tiền gốc là 350 triệu đồng, tiền lãi là hơn 253 triệu đồng.
Không thể phát mại được tài sản
Ngày 23/9/2014, TAND huyện Thanh Thủy đưa vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là QTD và bị đơn là ông Hộ, bà Lợi ra xét xử và quyết định: buộc ông Hộ phải trả cho QTD tổng số tiền hơn 603 triệu đồng. Trong đó tiền gốc 350 triệu đồng, tiền lãi hơn 253 triệu đồng.
Tiếp tục duy trì Hợp đồng tín dụng số 420/HĐTD ngày 18/8/2011 và Hợp đồng thế chấp số 420/HĐTC ngày 18/8/2011 bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu 3, thị trấn Thanh Thủy theo sổ đỏ số AB 548987, thửa số 132 tờ bản đồ số 11, diện tích 412m2 đứng tên ông Hộ, bà Lợi để đảm bảo thi hành án...
Không nhất trí ông Hộ, bà Lợi kháng cáo, đồng thời VKSND tỉnh Phú Thọ cũng có quyết định kháng nghị Bản án sơ thẩm do những vi phạm về tố tụng và nội dung.
Theo đó, ngày 11/12/2014 TAND tỉnh Phú Thọ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và quyết định: không chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Thọ; giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 01/2014/KDTM ngày 23/9/2014 của TAND huyện Thanh Thủy.
Không đồng tình ông Hộ gửi đơn “Đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” và ngày 6/1/2015, VKSND tỉnh Phú Thọ có Báo cáo số 12/VKS-P12 “Đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” gửi VKSND tối cao xác định: TAND huyện Thanh Thủy vi phạm tố tụng về xác định chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án; vi phạm trong việc xác định tư cách người tham gia tố tụng khác trong vụ án; vi phạm về nội dung vụ án: TAND huyện Thanh Thủy không xác minh hoặc yêu cầu quỹ tín dụng làm rõ vi phạm trong việc xác lập hợp đồng thế chấp không đảm bảo theo quy định của pháp luật…
Vì vậy, ngày 13/5/2016 VKSND cấp cao có Thông báo số 145/TB-VC1-KDTM “trả lời đơn đề nghị Giám đốc thẩm” gửi ông Trần Văn Hộ trong đó xác định: Bản án của tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ tuyên tiếp tục duy trì Hợp đồng tín dụng số 420 và Hợp đồng thế chấp số 420 cùng ngày 18/8/2011 bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo thi hành án, không tuyên phát mại tài sản. Do vậy, tài sản thế chấp của ông Hộ, bà Lợi vẫn được đảm bảo.
Ông Hộ cho biết, vụ việc này QTD cũng có phần sai sót khi không xem xét, kiểm tra chính xác khi kí hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp dẫn đến hợp đồng có thể vô hiệu. Cụ thể, QTD không thẩm định rõ tài sản gắn liền với đất vì trên thực tế, mảnh đất ông đã thế chấp hiện có 3 ngôi nhà, là tài sản chung của các thành viên trong gia đình có tên ở ba sổ hộ khẩu khác nhau thực tế không được ghi tại mục “Tài sản gắn liền với đất” trên dổ đỏ số AB 548987. Như vậy, đây là tài sản chưa được Nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà ở cho bất kỳ ai dẫn đến không thể kê biên và phát mại tài sản thế chấp được.
“Tài sản kê biên và phát mại phải có chủ sở hữu rõ ràng và phải được pháp luật công nhận. QTD và các cơ quan có thẩm quyền có thể cầm, giữ sổ đỏ của gia đình tôi đã thế chấp để tránh việc chuyển dịch, sang nhượng trái pháp luật, nhưng không thể kê biên và phát mại tài sản khi chưa xác định rõ chủ sở hữu tài sản đó thuộc về ai và đã được pháp luật công nhận chưa. Tôi công nhận có vay của QTD và có nghĩa vụ trả nợ, tôi mong rằng Chi cục THADS Thanh Thủy tạm dừng việc THA trong lúc tôi đang có khiếu nại 2 bản án có nhiều sai sót của các cấp tòa án, đồng thời QTD cùng các cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp nhận việc thỏa thuận THA của gia đình tôi đối với QTD”, ông Hộ cho biết.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Tiến sỹ Vũ Ngọc Đường, (Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật Thăng Long - Hội Luật gia Việt Nam) nhận định: Theo thông báo số 145/TB-VC1-KDTM của VKSND cấp cao tại Hà Nội thì bản án sơ thẩm và phúc thẩm chỉ tuyên: Tiếp tục duy trì Hợp đồng tín dụng số 420 và Hợp đồng thế chấp số 420 cùng ngày 18/8/2011 bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo thi hành án, không tuyên phát mại tài sản. Do vậy, tài sản thế chấp của ông Hộ, bà Lợi vẫn được đảm bảo.
Như vậy, ông Hộ, bà Lợi vẫn có quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đã ký với QTD và quan điểm VKSND cấp cao tại Hà Nội cũng nhận định là tòa án cả hai cấp không tuyên phát mại tài sản. Do vậy, không thể đem ra để thi hành án được.