Nhạc Việt Nam lại vừa có cuộc hội ngộ toàn quốc tại Nhà hát Lớn Hà Nội (Đại hội Hội Nhạc sỹ Việt Nam lần thứ VIII) sau 5 năm đồng tình cùng nhau gồng mình bứt phá và sáng tạo giữa buổi kinh tế thị trường và giao lưu văn hóa. Quả là những niềm vui, tự hào, những cái giật mình, buồn bã… đã hiện diện và đồng hành cùng các tâm hồn âm nhạc tại đây, cho thấy rõ nét một bức tranh toàn cảnh về đời sống nhạc Việt đương đại. Buồn vui lẫn lộn Gần 600 nhạc sỹ thuộc mấy thế hệ đã nhìn ngược về đời sống âm nhạc của 5 năm đã qua. Họ "mở mày mở mặt" với sự kiện Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu, rồi quan họ Bắc Ninh và ca trù cũng trở thành Di sản văn hóa thế giới. Đấy là những bằng chứng về giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc được thế giới ghi nhận và là nền tảng cho sự phát triển âm nhạc đương đại trên con đường hội nhập.
Số lượng các tác phẩm cứ ùn ùn "vào đời", song tác phẩm đọng lại, vang dội trong công chúng thì chỉ… đếm trên đầu ngón tay (ảnh minh họa) |
Họ cũng muốn "ăn mừng" vì có nhiều tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam được biểu diễn tại sân khấu nước ngoài, nhiều hoạt động rõ nét với các chương trình lớn, tôn vinh các nhạc sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, kỷ niệm 50 năm Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, công bố các tác phẩm âm nhạc xuất sắc viết về chủ đề Bác Hồ và đặc biệt là chương trình nghệ thuật lớn "Hồ Chí Minh - cả một đời vì nước vì dân" nhân 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ với hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ tham gia... Mừng thì mừng đấy, song buồn thì cũng không ít vì đúng là số lượng các tác phẩm cứ ùn ùn "vào đời", song tác phẩm đọng lại, vang dội trong công chúng thì chỉ… đếm trên đầu ngón tay. Thật hiếm hoi những tác phẩm âm nhạc có chất lượng cao về đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là những khúc ca ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi sự nghiệp đổi mới. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân không ngần ngại khẳng định rằng thiếu vắng đội ngũ sáng tác khí nhạc, ít tác phẩm thể loại lớn như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch... Rồi cả hiện tượng "lệch pha" giữa sáng tác và biểu diễn, nạn đạo nhạc vẫn tràn lan, tình trạng nghiệp dư hóa tăng cũng như việc đời sống âm nhạc bị chi phối bởi yếu tố thị trường… Trước tiên là bình ổn đời sống âm nhạc Tác giả của bản giao hưởng "Mở đất" - nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - lại được giới sáng tác âm nhạc tin tưởng đặt lên vai chức Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Cùng anh em nhạc sỹ "gồng gánh" tiếp một chặng đường âm nhạc thời thị trường nữa là cả một khối lượng đáng kể việc phải làm. Tuy nhiên, có một việc cần làm ngay mà nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân luôn đặc biệt quan tâm là bình ổn đời sống âm nhạc. Ông nói: "Trước mắt, chúng tôi tăng cường hợp tác với các đài phát thanh truyền hình. Công việc đầu tiên của ban chấp hành mới là chúng tôi bắt tay thực hiện ngay chủ đề: Hội Nhạc sĩ Việt Nam với các cơ quan truyền thông, bộ phận âm nhạc của các đài. Đời sống văn hoá hiện tại rất nhiều vấn đề phải bàn, phải làm. Tôi hy vọng, với sự chủ động từ phía Hội Nhạc sỹ và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những cái bắt tay chặt chẽ hơn nữa để đời sống âm nhạc trở lại trạng thái cân bằng, bình ổn hơn!". Đấy là việc mà công chúng cũng đợi chờ chứ chẳng riêng gì người trong cuộc.
Theo Kinh tế Đô thị