Bình sữa gây bệnh chưa có ở Việt Nam

Khảo sát mới nhất cho thấy Việt Nam vẫn chưa phát hiện bình sữa nhựa có chứa hóa chất Bisphenol-A (BPA) có nguy cơ gây bệnh, quan chức Bộ Y tế khẳng định hôm qua nhưng đồng thời khuyến cáo không nên cho trẻ bú bình nhựa.

Khảo sát mới nhất cho thấy Việt Nam vẫn chưa phát hiện bình sữa nhựa có chứa hóa chất Bisphenol-A (BPA) có nguy cơ gây bệnh, quan chức Bộ Y tế khẳng định hôm qua nhưng đồng thời khuyến cáo không nên cho trẻ bú bình nhựa.

Th.S. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), cho hay BPA có tác dụng làm trong và cứng, được sử dụng rộng rãi trong các loại đồ hộp, bình sữa và đồ chơi trẻ em. Cục ATVSTP nhận được thông tin các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) sẽ ngừng sản xuất bình sữa chứa BPA từ tháng 3- 2011, và ngừng cho lưu hành loại sản phẩm này từ tháng 6-2011.

Bởi lo ngại BPA có thể gây dậy thì sớm, ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch ở trẻ em một khi hóa chất này được hấp thu vào mỡ. Có báo cáo còn liệt kê khả năng BPA gây ra các bệnh như rối loạn thần kinh, tiết niệu ở trẻ, tim, béo phì, thậm chí, ung thư vú, và vô sinh.

Th.S. Phong cho rằng các thông tin trên còn gây tranh cãi chứ chưa được xác nhận. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông-Lương Quốc tế (FAO) chưa đưa ra bất cứ khuyến cáo nào về BPA. Tại hội thảo gần đây liên quan đến BPA do WHO và FAO đồng tổ chức cuối tháng 11-2010 tại Ottawa, Canada, các ý kiến một lần nữa thống nhất nhận định, chưa có bằng chứng cụ thể về nguy cơ BPA gây bệnh khi dùng bình bú pha sữa cho trẻ.

Việt Nam quan tâm đến BPA từ năm 2001 khi đưa ra quy định về hàm lượng BPA cho phép trong vật liệu làm đồ chứa thực phẩm và sữa. Áp dụng theo quy chuẩn tương đương ở Nhật Bản, hàm lượng BPA cho phép ở Việt Nam là 2,5mg/kg nguyên liệu bao bì. Với giới hạn ấy, qua nhiều lần lấy mẫu, Cục ATVSTP chưa đưa ra thông báo nào cấm các sản phẩm có chứa chất này.

Không nên dùng bình bú

Tuy nhiên, ông Phong không cho biết khi nào sẽ lấy mẫu và xét nghiệm BPA.
Dù thông báo không tìm thấy BPA trong bình sữa trẻ, Cục ATVSTP vẫn khuyến cáo  không nên cho trẻ bú bình. (Ảnh: QD)
Dù thông báo không tìm thấy BPA trong bình sữa trẻ, Cục ATVSTP vẫn khuyến cáo không nên cho trẻ bú bình. (Ảnh: QD)
Tuy nhiên, Cục ATVSTP vẫn khuyến cáo: “Nhiệt độ cao khiến nguy cơ thôi nhiễm hóa chất độc từ thành bình chứa vào thực phẩm cao hơn. Tốt nhất là nuôi con bằng sữa mẹ”. GS.BS Đào Thị Ngọc Diễn, Bộ môn Nhi, Đại học Y khoa Hà Nội, cho hay, cách tốt nhất là cho trẻ uống sữa theo cách truyền thống, tức là uống bằng cốc và thìa. Theo Th.S Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám&Tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho trẻ uống sữa bằng cốc và thìa sẽ tránh nguy cơ để trẻ bú bình.
Dùng BPA trong bình sữa: Cấm hay không?

Mới đây, Ủy ban châu Âu cấm sử dụng BPA trong bình sữa làm bằng nhựa (có hiệu lực từ tháng 3-2011), vì lo ngại rằng hóa chất này có thể tác động xấu tới sự tăng trưởng, đáp ứng miễn dịch và thúc đẩy khối u phát triển.

Ngoài ra, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy, BPA tương tự estrogen - một loại hoóc môn sinh dục chính ở nữ giới- nên chất này bị nhiều nhà khoa học gọi là kẻ phá hoại nội tiết, có thể gây dậy thì sớm, rối loạn sinh sản.

Một lượng nhỏ BPA trong sản phẩm nhựa có thể thấm vào thức ăn và đi vào cơ thể con người. BPA được đào thải khỏi cơ thể người lớn trong vòng vài giờ sau khi ăn, uống nhưng tồn tại lâu hơn trong cơ thể trẻ em.

Một số bang của Mỹ đã cấm dùng BPA trong đồ vật dành cho trẻ em. Hiện nay, nhiều nước, trong đó có Mỹ, áp dụng mức BPA cho phép 0,05mg/kg vật liệu do Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế đề ra.

Đến nay, các nhà khoa học châu Âu và Mỹ vẫn chưa thể trả lời chính xác BPA có thực sự gây nhiều bệnh nguy hiểm hay không dù họ đã thực hiện hàng trăm công trình nghiên cứu hơn một thập kỷ qua. Tuy chưa có kết luận chính thức về tác hại của BPA, nhưng một số hãng sản xuất lớn đã đưa dòng chữ không có BPA (BPA-free) vào nhãn sản phẩm của họ để người tiêu dùng yên tâm. Các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Wal-Mart, Whole Foods…đã ngừng bán bình sữa có chứa BPA.

Theo Thái An
 BBC, New York Times 
Theo QD
Tiền Phong

Đọc thêm