Tỉnh quy hoạch một đằng, huyện làm một nẻo
Ngày 18/1/2007, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành văn bản thống nhất vị trí, quy mô xây dựng Trung tâm Nhiệt điện Than Vĩnh Tân. Điều này khiến một số cơ sở sản xuất tôm giống và các nhà đầu tư tại khu quy hoạch sản xuất tôm giống Vũng Mũ I, Vũng Mũ II phải ngưng hoạt động.
Nhằm tránh ảnh hưởng đến việc sản xuất tôm giống là một thế mạnh của tỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương đầu tư xây dựng khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công (Tuy Phong), quy mô 150ha với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Mặc dù chủ trương về việc xây dựng, phát triển khu sản xuất thủy sản giống đã được gửi đến các ban ngành các địa phương, nhưng UBND huyện Tuy Phong vẫn tự ý cấp phép cho một số hộ kinh doanh cá thể ở xã Vĩnh Tân chuyển đổi mô hình nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống trái với quy hoạch chung của tỉnh.
Đơn cử, ngày 01/10/2013, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong có thông báo cho ông Nguyễn Hữu Hoài chuyển đổi mô hình sản xuất tôm thịt sang sản xuất tôm giống và giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hướng dẫn ông Hoài làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thủy sản) sang đất nông nghiệp khác (đất này được phép xây dựng); giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng hướng dẫn cấp phép xây dựng trại nuôi tôm giống cho ông Hoài.
Với sự cho phép trên, toàn bộ diện tích hơn 2,66ha đất nuôi trồng thủy sản của ông Hoài nhanh chóng được Phòng TN&MT cho phép chuyển sang đất nông nghiệp khác. Và ngày 08/10/2013, UBND huyện Tuy Phong cũng cấp luôn giấy phép cho ông Hoài xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống với diện tích xây dựng hơn 15.000m2.
“Châm ngòi” vi phạm?
Ngay sau khi được chấp thuận xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, ông Hoài đã lập Cty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung New tọa lạc trên diện tích đất nông nghiệp vốn được quy hoạch sản xuất tôm thịt. Không những thế, Cty của ông Hoài còn lấy tên gần giống với tên một doanh nghiệp tôm giống có thâm niên khác cũng nằm ngay trên địa bàn này.
Việc một cá nhân được “vượt rào” cấp phép sản xuất tôm giống và sau đó việc sản xuất, kinh doanh lại do một doanh nghiệp thực hiện đã khiến nhiều người dân địa phương không khỏi nghi ngờ: Liệu chăng chủ doanh nghiệp trên đã “đi đường vòng” bằng việc lấy tư cách cá nhân để xin phép sản xuất tôm giống rồi sau đó tổ chức sản xuất quy mô “công nghiệp” bằng tư cách pháp nhân của doanh nghiệp? Chuyện này có dấu hiệu “lách luật”, vì nếu lấy danh nghĩa doanh nghiệp thì phải xin phép cấp tỉnh, lúc đó sẽ rất khó?
UBND tỉnh Bình Thuận đã “tuýt còi” việc huyện Tuy Phong “vượt rào”, làm trái quy hoạch của tỉnh. Theo Thông báo 1679 ngày 19/05/2014 của UBND tỉnh Bình Thuận thì: “Việc đồng ý cho chuyển đổi trước và để một số tổ chức, cá nhân tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất từ nuôi tôm thịt sang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống rồi sau đó mới đề xuất, thông qua Sở NN&PTNT xin ý kiến UBND tỉnh cho chủ trương chuyển đổi là không đúng nguyên tắc trong công tác quản lý nhà nước”.
Cách UBND huyện Tuy Phong đặt UBND tỉnh Bình Thuận vào thế “đã rồi” bị nhiều người bình luận là kiểu cấp dưới “đặt” đâu, cấp trên “ngồi” đó, nếu được chấp nhận sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Việc làm không đúng nguyên tắc quản lý nhà nước ở huyện Tuy Phong đơn thuần là trót lỡ hay có tiêu cực, vấn đề này cần được làm rõ.