Bình Thuận: 'Gặp khó' khi thi hành án một vụ việc tại Tuy Phong

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người phải thi hành quyết định của tòa án có 5 tài sản đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên mỗi một thời điểm, khối tài sản này lại được ngân hàng thông báo có giá khác nhau, nên chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đành phải ra quyết định chưa có điều kiện THA.
Trong văn bản gửi Chi cục THADS Tuy Phong, 5 tài sản được xác định có giá 27,524 tỷ đồng (bên trái), còn khi đưa ra bán đấu giá thì có giá 34,141 tỷ đồng (bên phải).
Trong văn bản gửi Chi cục THADS Tuy Phong, 5 tài sản được xác định có giá 27,524 tỷ đồng (bên trái), còn khi đưa ra bán đấu giá thì có giá 34,141 tỷ đồng (bên phải).

Theo hồ sơ, ngày 16/8/2021, TAND huyện Tuy Phong (Bình Thuận) có Quyết định công nhận thỏa thuận giữa các đương sự. Theo đó, vợ chồng bà Võ Thị Thu T (ngụ xã Phú Lạc) phải trả cho bà Phạm Thị Bích Tuyền (SN 1969, ngụ khu phố 8, xã Liên Hương) một khoản tiền.

Ngày 18/8/2021, Chi cục THADS huyện có Quyết định THA. Trước đó, trong quá trình tổ chức THA với vợ chồng bà T, Chi cục xác minh thì biết có 5 tài sản đang bảo đảm thế chấp tại Agribank Chi nhánh Tuy Phong cho các khoản vay hồi năm 2019 với số tiền vay 24 tỷ.

Ngày 28/7/2021, Agribank Tuy Phong có văn bản gửi Chi cục THA rằng khoản vay trên không phải nợ xấu; ngân hàng không đồng ý cho THA kê biên các tài sản trên do ngân hàng đang tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ vay.

Ngày 5/8/2021, ngân hàng lại có văn bản đính chính rằng nợ trên là nợ xấu và ngày 7/9/2021 tiếp tục có văn bản nêu: Theo biên bản xác định lại giá trị 5 tài sản bảo đảm ngày 14/5/2021 là 27,524 tỷ đồng, trong khi đó nghĩa vụ trả nợ là 27,588 tỷ đồng.

Trong nhiều văn bản trả lời người được thi hành án, Chi cục THADS và Cục THADS Bình Thuận căn cứ Điều 11 Nghị quyết 42/NQ-QH năm 2017 và khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC; với tài sản bảo đảm đang bị xử lý để thu hồi nợ vay; chấp hành viên không được kê biên, xử lý; mà chỉ có thể có văn bản yêu cầu người xử lý tài sản thông báo kết quả xử lý, giữ lại số tiền còn lại để THADS giải quyết. Ngày 15/9/2021, cơ quan THA ra Quyết định chưa có điều kiện THA với sự việc trên.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Luật sư Dương Hoài Vân (Đoàn LS TP HCM, đại diện theo uỷ quyền cho bà Tuyền) cho rằng, việc định giá, mua bán, xử lý tài sản thế chấp tại Agribank Tuy Phong sẽ ảnh hưởng đến việc THA của cơ quan THADS và người được THA. Trong sự việc này, có một số vấn đề cần làm rõ về quá trình định giá, phối hợp, xử lý tài sản thế chấp.

Thứ nhất, theo hồ sơ, ngày 10/6/2021 và ngày 16/7/2021, Cty Đấu giá hợp danh Bình Thuận (đã giải thể vào tháng 9/2022) ra thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Agribank Tuy Phong với giá khởi điểm 34,141 tỷ đồng. Trong đó, thứ nhất là nhà máy số 1 giá 20,6 tỷ đồng; thứ hai là nhà máy số 2 giá 4,8 tỷ; thứ ba là 9.000m2 đất trồng thanh long giá 4 tỷ; thứ tư là 11.548m2 đất trồng lúa giá 2,78 tỷ; thứ năm là 4.944m2 đất lúa giá 1,96 tỷ.

Quá trình bán đấu giá, chỉ bán được một tài sản là nhà máy số 2 với giá gần 4,85 tỷ đồng. Bốn tài sản còn lại bán đấu giá không thành.

Dù giá khởi điểm bán đấu giá là 34,141 tỷ đồng nhưng trong văn bản ngày 28/7/2021 (cách thông báo bán đấu giá chỉ 12 ngày) gửi Chi cục THADS Tuy Phong, thì Agribank Tuy Phong xác định giá trị 5 tài sản bảo đảm là 27,524 tỷ đồng (thấp hơn giá đưa ra bán đấu giá hơn 6,5 tỷ). Trong đó nhà máy số 1 là 20,537 tỷ đồng; nhà máy số 2 là 4,751 tỷ đồng; ba tài sản còn lại lần lượt có giá 1,113 tỷ, 785 triệu và 336 triệu đồng. Cả ba tài sản này giá đều thấp hơn giá khởi điểm bán đấu giá.

“Tại sao cùng một tài sản, cùng khoảng thời điểm định giá, cùng Agribank Tuy Phong thông báo; nhưng khối tài sản lại có 2 giá trị khác nhau, chênh lệch 6,5 tỷ đồng”, LS nêu câu hỏi.

Cũng trong khối tài sản này, tại thông báo bán đấu giá vào giữa 2021 thì 9.000m2 đất trồng thanh long giá 4 tỷ đồng. Nhưng tháng 12/2022 (sau 18 tháng), Agribank Tuy Phong và vợ chồng bà T thống nhất tự tìm người mua tài sản. Người mua là em ruột bà T. Ngày 20/12/2022, ngân hàng, vợ chồng bà T và em gái bà T thống nhất việc mua bán giá 2,45 tỷ đồng. Tại sao năm 2021, giá bán đấu giá là 4 tỷ, khi thông báo cho THA thì 1,113 tỷ và năm 2022 bán với giá 2,45 tỷ?

PV đã nêu những vấn đề khúc mắc trên, Agribank Bình Thuận đã tiếp nhận thông tin và cho biết sẽ trả lời, nhưng sau hơn 1 tháng, PV vẫn chưa nhận được phản hồi.

Về phía Chi cục THADS, cho biết do tài sản đang thế chấp và ngân hàng không đồng ý cho kê biên nên chấp hành viên đã ra quyết định chưa có điều kiện THA.

Đọc thêm