Theo đó, vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; CBCC chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm VC làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, đối với những VC mới trúng tuyển từ ngày 01/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị nhấn mạnh sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời với VC.
Đúng là “biên chế” bức xúc quá rồi. Đông nhưng kém hiệu quả. Tình trạng “sáng vác ô đi, tối xách ô về” đã trở thành “thành ngữ” mới của bộ máy công quyền. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng cho rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số CC không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Đáng tiếc, đánh giá CBCC hàng năm ở cơ sở, gần như ai cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”; thậm chí bình bầu “chiến sỹ thi đua cơ sở”, phân chia bằng khen, danh hiệu được “chia đều” theo kiểu “năm nay anh, năm sau tôi” để lên lương trước niên hạn.
Câu chuyện đáng suy nghĩ thứ hai là, việc tách bạch giữa số CC (thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước) và VC (trong các đơn vị sự nghiệp công lập như giáo dục, y tế) không rõ ràng. Trong một đơn vị sự nghiệp, lãnh đạo thì CC, nhân viên thì VC... cũng có đủ xe biển xanh, biển trắng.
Hiện tại, tổng số lao động khu vực công là 5,2 triệu người, trong đó, số VC chiếm tới một nửa (2,5 triệu người), chưa tính đến số lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. Số lượng CC là khoảng hơn 1 triệu người. Việt Nam ở trong Top đầu của nhóm nước ASEAN, với 4,8% CC trên dân số (tương đương mức 20 người dân sẽ có 1 CCVC hưởng lương).
Số lượng biên chế CCVC nhiều còn là minh chứng cho chính sách xã hội hoá dịch vụ công chưa hiệu quả. Nhà nước vẫn ôm đồm làm thay rất, rất nhiều việc. Đấy là chưa nói đến tiêu cực, thích “đông quân”, “chạy biên chế” để “suất” để “bán” khi tuyển dụng. Điều này không phải là không có.
Hy vọng với “hai trọng tâm” và “năm đột phá” mà Nghị quyết 26-NQ/TW về công tác cán bộ đã nêu sẽ tiếp tục được thể chế hóa, đi vào cuộc sống.