Bộ Công an vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, Bộ Công an đề xuất rút thời hạn cấp giấy phép lái xe xuống còn 5 năm thay vì 10 năm như đang được Bộ Giao thông Vận tải quy định.
Cụ thể, tại quy định về thời hạn của giấy phép lái xe, Bộ Công an đề xuất các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Còn với các giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Trước đề xuất rút thời hạn cấp giấy phép lái xe xuống còn 5 năm của Bộ Công an, đã có nhiều chuyên gia về giao thông, lái xe không đồng tình. Trong đó, nhiều người cho việc này gây lãng phí, phiền hà cho người dân.
Ngày 25/8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng thời hạn 5 năm chỉ nên áp dụng với một số hạng giấy phép lái xe, còn lại nên theo quy định như hiện nay các hạng B1 và B2 có thời hạn là 10 năm. Theo ông Quyền, việc rút thời hạn giấy phép lái xe xuống còn 5 năm "gây lãng phí không cần thiết và phiền hà cho người dân".
"Cần phải làm rõ được mục đích của việc thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe. Nếu cơ quan quản lý nhà nước có những thay đổi và yêu cầu cập nhật kiến thức mới cho lái xe thì việc đổi giấy phép có ý nghĩa. Còn nếu trong điều kiện bình thường đang 10 năm đổi một lần mà thành đổi hai lần thì gây nhiều phiền toái cho người dân. Hoặc nếu muốn rút thời hạn giấy phép lái xe thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nghiên cứu kỹ, có thể chia ra độ tuổi của lái xe bởi với người còn trẻ, sức khỏe ổn định mà rút thời hạn xuống 5 năm sẽ gây lãng phí, tốn kém và không cần thiết", ông Quyền phân tích.
Trong khi đó, tại dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến cũng đã đề xuất giữ nguyên thời hạn giấy phép lái xe như hiện nay.