Bộ Công Thương nỗ lực cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh

(PLVN) - Thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng tới một Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương luôn nỗ lực tối đa để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh. Nỗ lực của Bộ được thể hiện bằng nhiều kết quả với những con số hết sức ấn tượng, đã đem lại tác động tích cực trong thực tế.
Bộ Công Thương nỗ lực cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh

Nỗ lực này của Bộ được tiến hành theo lộ trình rõ ràng. Cụ thể, năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ giai đoạn 2017 – 2018. Theo đó, có khoảng 55,5% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực Công Thương được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trong 16 ngành nghề do Bộ quản lý nhà nước. 

Tiếp theo việc cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh năm 2017, năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3720/QĐ-BCT ban hành Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nước của Bộ giai đoạn 2019 – 2020; Phương án tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trong tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%).

Theo đó, chỉ riêng quý II/2019, Bộ chủ trì xây dựng 12 văn bản thì trong đó có 10 văn bản được xây dựng nhằm mục đích giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Hết quý II, đã có 2/10 văn bản được ban hành. Các văn bản khác đang được Bộ khẩn trương xây dựng để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành hoặc tự ban hành theo thẩm quyền. Nhìn chung, các văn bản nêu trên được xây dựng, thẩm định, ban hành trên tinh thần quán triệt và tuân thủ triệt để các yêu cầu, tiêu chí đặt ra trong các nghị quyết của Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư, kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân...

Riêng việc triển khai Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP, Bộ Công Thương đã hoàn thành nhiệm vụ bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh ngay tại Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ theo Nghị định 08 và 8 Nghị định khác đã trình trong năm 2017 và năm 2018 là 675 điều kiện trong tổng số 1.216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đạt tỷ lệ 55,5%.

Cũng theo Nghị quyết 19, Bộ được Chính phủ giao theo dõi, giám sát đảm bảo thực thi đầy đủ, nhất quán việc cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh... Từ cơ sở này, Bộ trưởng  Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT nêu trên. Để cụ thể hóa Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2019 - 2020, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong năm 2019.

Quý II/2019 vừa qua, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn khảo sát đánh giá hiệu quả và đề xuất cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đồng thời, Bộ thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 8 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện lực. 

Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc thực hiện chủ trương cắt giảm một số điều kiện đầu tư, kinh doanh là một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1, cần tránh thực hiện một cách cơ học, hình thức nhằm vừa bảo đảm tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu quản lý của Nhà nước.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ kiến nghị mở rộng phạm vi rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh không chỉ giới hạn ở cấp nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp luật và nếu cần thì kiến nghị sửa luật. Ngoài ra, Bộ đề xuất tiếp tục nghiên cứu đổi mới hoàn thiện quy trình lập pháp theo hướng chú trọng đến chất lượng và tính khả thi của các dự án luật; từng bước áp dụng kỹ thuật lập pháp tiên tiến vào công tác xây dựng pháp luật; chủ động thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến nhân dân, tham khảo cộng đồng... để góp phần nâng cao chất lượng của từng đạo luật khi được Quốc hội thảo luận, thông qua. 

Đọc thêm