PLVN đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Ngô Thái Dũng - Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP.
Thiếu tướng cho biết những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trong năm 2017?
- Năm 2017, BĐBP đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ: 1.133 vụ/1.544 đối tượng phạm tội về ma tuý, tổng số tang vật thu giữ hơn 2.072kg ma túy các loại. Trong đó, xác lập và đấu tranh thắng lợi 85 chuyên án về ma tuý, tang vật thu: 222 bánh heroin; 577.542 viên ma túy tổng hợp (MTTH); 25,4 kg MTTH dạng đá; 1,1 kg ketamin, 15 kg thuốc phiện; 1.052 kg cần sa khô, 2 kg tiền chất, 3 khẩu súng các loại, 50 viên đạn, 3 dao nhọn và nhiều tang vật liên quan khác. Phá nhổ 2.601 cây và diện tích 1.200 m2 cây thuốc phiện, 4.803 cây cần sa. (So với năm 2016: tăng 64 vụ = 5,4%/295 đối tượng = 20,5%; tang vật thu giữ tăng 968,418 kg ma túy các loại (gấp 3,05 lần); riêng MTTH tăng 379.836 viên (gấp 1,3 lần), Cần sa tăng 1.014 kg (gấp 78,07 lần).
Các đơn vị đấu tranh có hiệu quả, điển hình như: BĐBP các tỉnh Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, An Giang; Đoàn Đặc nhiệm miền Bắc và Đoàn Đặc nhiệm miền Nam.
Thiếu tướng cho biết, tình hình, diễn biến của tội phạm ma túy thời điểm hiện nay?
- Về tội phạm ma túy ở phía ngoại biên, các đường dây, ổ nhóm sản xuất ma túy tại Trung Quốc có dấu hiệu chuyển hướng hoạt động sang khu vực Tam giác vàng (không loại trừ, các đối tượng núp bóng các doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực này để sản xuất ma túy tổng hợp giá rẻ với số lượng lớn). Điều này đã làm gia tăng áp lực lên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy trên tuyến Việt - Lào và Việt Nam - Campuchia. Chúng triệt để lợi dụng nhiều phương thức mới trong liên lạc, mua bán, vận chuyển ma túy (như hình thành những tuyến mới: từ Lào qua Tây Nguyên ra phía Bắc hoặc từ Lào sang Campuchia sau đó mới vào Việt Nam; ngụy trang ma túy dưới dạng các thực phẩm chức năng… để tránh bị phát hiện; không giao dịch theo cách thức truyền thống để đối phó lại các lực lượng chức năng.
Trong khu vực biên giới đất liền, các đối tượng tăng cường móc nối với đối tượng ở ngoại biên thiết lập các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới với quy mô lớn vào Việt Nam để tiêu thụ trong nước và đi nước thứ 3. Đáng chú ý: Các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La không hoạt động công khai, manh động như trước, nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ hoạt động trở lại. Một số đối tượng ở biên giới phía Bắc, Tây Nguyên móc nối với đối tượng phía Nam thiết lập đường dây mua bán, vận chuyển MTTH liên tuyến, liên tỉnh qua biên giới tỉnh Quảng Ninh để đưa vào một số tỉnh miền Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh.
Hoạt động tái trồng cây thuốc phiện về cơ bản đã được ngăn chặn, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng trên địa bàn một số tỉnh Tây Bắc và cây cần sa ở một số tỉnh Tây Nam bộ. Trên địa bàn tuyến biển, nổi lên hoạt động vận chuyển chất ma túy (lá khát, hoa cần sa) bằng đường biển với số lượng lớn từ khu vực Trung Đông vào Việt Nam để đi nước thứ 3; đồng thời, hoạt động mua bán, sử dụng ma túy dạng cỏ Mỹ vẫn tiếp diễn, trọng điểm là các thành phố, khu du lịch ven biển.
Còn tình hình diễn biến của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, đặc biệt là pháo trong thời điểm hiện nay?
- Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, trong đó có các mặt hàng cấm: pháo nổ, pháo hoa... Những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc quyền mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo chuyên đề, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới tổ chức đấu tranh, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép pháo.
Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không cấm sản xuất và kinh doanh, sử dụng pháo. Mặt khác, nhu cầu sử dụng pháo nổ, pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đán của một số người dân Việt Nam vẫn còn, xuất phát từ lợi nhuận và nhu cầu nên các đối tượng vẫn lén lút mua bán, vận chuyển pháo từ nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) vào Việt Nam, đặc biệt những năm gần đây hoạt động này xuất hiện trên tất cả các tuyến biên giới (Đến nay gần một tháng BĐBP đã độc lập bắt giữ trên 3 tấn pháo nổ, pháo hoa) và nguồn chủ yếu từ Trung Quốc.
Luật Đầu tư năm 2016 quy định: pháo nổ thuộc ngành nghề cấm kinh doanh; còn các loại pháo khác thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, khi bắt được pháo, BĐBP phải thông qua công tác giám định để xác định tang vật bị bắt giữ là pháo nổ hay pháo hoa để làm căn cứ xử lý (hình sự hay hành chính). Quy định này đảm bảo chặt chẽ, tránh được việc xử lý oan sai; tuy nhiên khi áp dụng quy định này nảy sinh vướng mắc như: việc tổ chức giám định tang vật là pháo nổ hay pháo hoa cần phải mất một thời gian nhất định (có vụ việc mất cả tuần) cho nên không có căn cứ để tạm giữ hình sự đối tượng (trong trường hợp bắt người vận chuyển pháo nổ).
Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.