Bộ Giáo dục giải đáp về vô trách nhiệm, đạo đức giả

Nhiều người nhận xét, câu nghị luận xã hội đề thi môn Ngữ văn khối C và khối D năm nay hay nhưng già, đặc biệt với học sinh nhìn chung không phải va vấp nhiều với xã hội.
Nhiều người nhận xét, câu nghị luận xã hội đề thi môn Ngữ văn khối C và khối D năm nay hay nhưng già, đặc biệt với học sinh nhìn chung không phải va vấp nhiều với xã hội. Chúng tôi trích đăng phần giải đáp về hai câu nghị luận trên, theo đáp án của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Đáp án đề thi văn khối C: Tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống

Giải thích ý kiến:

- Về nội dung, ý kiến này đề cập đến mối nguy hại ngấm ngầm rất cần cảnh giác của thói vô trách nhiệm; nó xuất phát từ mỗi cá nhân nhưng lại gây hậu quả to lớn đối với toàn xã hội.

- Về thực chất, ý kiến này là sự cảnh báo về một vấn nạn đạo đức mang tính thời sự: thói vô trách nhiệm và hậu quả khôn lường của nó.
Suy nghĩ về thói vô trách nhiệm và bệnh đạo đức giả rất cần thiết cho người trả tự hoàn thiện mình. Ảnh: Bee

Luận bàn về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người:

- Tinh thần trách nhiệm

+ Tinh thần trách nhiệm là ý thức và nỗ lực nhằm hoàn thành tốt những phận sự của mình. Nó được biểu hiện cụ thể, sống động trong ba mối quan hệ cơ bản: giữa cá nhân với gia đình, cá nhân với toàn xã hội và cá nhân với bản thân mình.

+ Tinh thần trách nhiệm là một phẩm chất cao đẹp, một thước đo giá trị con người; là cơ sở để xây dựng hạnh phúc của mỗi gia đình; đồng thời tinh thần trách nhiệm cũng góp phần quan trọng tạo nên quan hệ xã hội tốt đẹp, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

- Thói vô trách nhiệm

+ Thói vô trách nhiệm là một biểu hiện của lối sống phi đạo đức, thể hiện ở ý thức và hành động không làm tròn phận sự của mình đối với xã hội, gia đình và bản thân, gây nên những hậu quả tiêu cực. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, lối sống ấy đang khá phổ biến, trở thành một vấn nạn trong xã hội.

+ Tác hại của thói vô trách nhiệm: làm băng hoại đạo đức con người; gây tổn hại hạnh phúc gia đình; gây tổn thất cho cộng đồng, kìm hãm sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Bài học nhận thức và hành động:

- Bản thân cần nhận thức sâu sắc tinh thần trách nhiệm là thước đo phẩm giá con người; không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong mọi lĩnh vực đời sống.

- Cần ý thức rõ tác hại và có thái độ kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện của thói vô trách nhiệm trong xã hội.

Khối D: Suy nghĩ về sự nguy hại của căn bệnh đạo đức giả

Giải thích ý kiến:

- Đạo đức giả là cách ứng xử giả tạo, dùng vỏ đạo đức bề ngoài nhằm che đậy bản chất vô đạo đức bên trong.

- Về thực chất, đạo đức giả là lối sống giả dối, vì thế nó nguy hại như một căn bệnh chết người nhưng khó nhận biết.

Luận bàn về sự nguy hại của căn bệnh đạo đức giả:

- Những biểu hiện của bệnh đạo đức giả
+ Dùng những lời nói hay ho, đẹp đẽ bề ngoài để che đậy ý nghĩ đen tối và tình cảm thấp hèn bên trong. + Dùng những hành động có vẻ tích cực để ngụy trang cho những động cơ xấu xa, đê tiện. - Tác hại của bệnh đạo đức giả + Đối với mỗi người: Vì sống giả dối nên tự đánh mất dần nhân cách, đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. + Đối với xã hội: Làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân; làm suy đồi phong hoá xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác. Bài học nhận thức và hành động: - Thấy rõ sự cần thiết phải tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức, sống chân thành, trung thực. - Kiên quyết lên án, vạch trần và ngăn chặn thói đạo đức giả.
Theo Khoa học đời sống online

Đọc thêm