Bộ giáo dục tìm cách "quản" sách tham khảo

Trước hàng loạt sai sót nhạy cảm thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã và đang tìm cách tháo gỡ tình trạng thả nổi sách tham khảo (STK

Trước hàng loạt sai sót nhạy cảm thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã và đang tìm cách tháo gỡ tình trạng thả nổi sách tham khảo (STK).

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho hay, thời gian tới Bộ GD-ĐT mong muốn bổ sung thêm chế tài cũng như quy định rõ ràng hơn việc sử dụng STK trong nhà trường, tăng cường khâu quản lý, giám sát để không có tình trạng giáo viên, hiệu trưởng giới thiệu,  “bán hộ” STK cho học sinh của mình.

Sách tham khảo sẽ được thẩm định
Sách tham khảo sẽ được thẩm định

Để ngăn chặn STK có sạn, ông Định đề xuất: Mỗi môn học sẽ có một số tài liệu STK nhất định và Bộ sẽ cho in danh mục STK đạt chất lượng lên trên bìa sách giáo khoa để giáo viên, học sinh, phụ huynh có định hướng lựa chọn. Những sách được giới thiệu ở bìa sách giáo khoa như vậy sẽ được thẩm định, chứ không phải xuất bản tràn lan mà không hề được thẩm định dẫn tới có “sạn” như hiện nay.  

Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT, cho rằng không thể bỏ mặc người dân nhưng chắc chắn một mình Bộ GD-ĐT không thể làm nổi.

Ông Hinh cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với thị trường STK, cụ thể là Cục Xuất bản, Bộ Thông tin - Truyền thông phải có chế tài đủ mạnh với những loại sách không đảm bảo chất lượng.

Ông Định cho rằng cần xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin - Truyền thông về việc xuất bản STK cho các bậc học từ mầm non đến phổ thông. Tiến tới chỉ một số nhà xuất bản nào đó mới đủ điều kiện xuất bản STK, tất nhiên phải phù hợp với luật Xuất bản.  

Được biết, hiện nay việc thẩm định sách giáo khoa qua 2 vòng khá chặt chẽ. Quy trình này tốn kinh phí rất lớn và hiện Nhà nước phải chi tiền để thực hiện.

Trong khi đó, nếu quy định STK đã thẩm định và công nhận mới được phép lưu hành thì các nhà xuất bản phải bỏ tiền ra để làm công việc thẩm định. Thế nhưng, đáng tiếc là luật Xuất bản hiện lại không có quy định này nên mong muốn STK phải được thẩm định trước khi xuất bản không phải là chuyện đơn giản.

Như vậy, tinh thần của công văn hiện hành đã tới lúc cần phải thay đổi. Và mặc dù, rào cản lớn nhất về chức năng hiện nay là Bộ GD-ĐT không được phép quản lý STK vì những loại sách này được phát hành tuân theo luật Xuất bản.

Tuy nhiên, trong số sách thu hồi vừa qua, cuốn “Bé làm quen với chữ cái” của NXB Sư Phạm lẽ nào không thuộc thẩm quyền của Bộ GD- ĐT? Điều đó đòi hỏi rất nhiều trách nhiệm của những người “gác cửa”, trước khi đưa tri thức tới bạn đọc, đặc biệt hơn khi đối tượng đó là những trang giấy trắng tinh khôi…

Miên Thảo

Đọc thêm