Bộ Giáo dục và đào tạo trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên tại kỳ họp thứ 7

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.

        Kiến nghị 1:  Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án phát triển Đại học Thái Nguyên theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Trước tiên bố trí đủ kinh phí giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành nội dung này.

   Trả lời (Công văn số 5711/BGDĐT-VP):

           1-Triển khai thực hiện Quyết định số 79/2005/QĐ-TTg ngày 15/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, trong đó có nội dung giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đề án “nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu khoa học tại các trường đại học Tây Bắc, Hùng Vương, Thái Nguyên”, Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã đầu tư có trọng tâm để từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất cho Đại học Thái Nguyên.

        Từ năm 2005, Đại học Thái Nguyên đã được ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng và đã hoàn thành 7 công trình, dự án với tổng mức đầu tư là: 200,468 tỷ đồng (Dự án đầu tư bước 1 cải tạo và xây dựng Đại học Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 74,8 tỷ đồng; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu điều hành Đại học Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 19,830 tỷ đồng; Dự án xây dựng trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 12,087 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà học Trường Đại học Y khoa Đại học Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 31,600 tỷ đồng; Dự án xây dựng toà nhà thực nghiệm và làm việc 5 tầng khoa công nghệ thông tin Đại học Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 12,520 tỷ đồng; Dự án nhà luyện tập thi đấu thể thao đại học Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 40,467 tỷ đồng; Dự án nhà giảng đường A1 trường Cao đẳng Kinh tế- kỹ thuật, tổng mức đầu tư 9,164 tỷ đồng). 10 dự án tại Đại học Thái Nguyên hiện nay đang được Nhà nước đầu tư thực hiện với tổng mức đầu tư 920,369 tỷ đồng: Dự án đền bù giải toả giai đoạn II- Đại học Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 83,683 tỷ đồng; Dự án ĐTXD Đại học Thái Nguyên bước II giai đoạn 2008-2011, tổng mức đầu tư 205,462 tỷ đồng; Trung tâm giáo dục quốc phòng Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 88,225 tỷ đồng; Dự án xây dựng phòng thí nghiệm huyết học, miễn dịch và chuẩn đoán 48,840 tỷ đồng; xây dựng phòng thí nghiệm tự động hoá học Đại học công nghiệp Thái Nguyên, tổng mức đầu tư 44,018 tỷ đồng; Dự án Nhà giảng đường trường Đại học Nông lâm, tổng mức đầu tư 15,152 tỷ đồng; Dự án nhà làm việc nghiên cứu phục vụ giảng viên trường Đại học sư phạm, tổng mức đầu tư 34,915 tỷ đồng; Nhà Thư viện trường Đại học sư phạm, tổng mức đầu tư 11,687 tỷ đồng; Giảng đường A16 trường Đại học kỹ thuật công nghiệp, tổng mức đầu tư 24,024 tỷ đồng; Dự án ký túc xá sinh viên, tổng mức đầu tư 364,363 tỷ đồng.

          Đặc biệt năm 2010, vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản (XDCB) của Đại học Thái Nguyên được phân bổ 268,95 tỷ đồng, cao nhất trong tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể từng nguồn đầu tư như sau: Các dự án sử dụng vốn XDCB tập trung 51,2 tỷ đồng; ứng trước vốn năm 2010 cho dự án Trung tâm giáo dục quốc phòng 36,3 tỷ; Vốn chương trình mục tiêu quốc gia tăng cường cơ sở vật chất 17,5 tỷ; Các Dự án từ nguồn vốn ODA 8,95 tỷ vốn ngước ngoài; và Dự án xây dựng 23 nhà ký túc xá từ nguồn trái phiếu chính phủ 155 tỷ đồng.

           2- Kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại Biên bản “kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư XDCB của Đại học Thái Nguyên” kèm theo công văn số 37/KTNN-TH ngày 26/01/2010 về việc “gửi báo cáo kiểm toán Bộ Giáo dục và Đào tạo” nêu rõ: “Hiện tại vẫn còn 6.254.700.000 đồng đền bù giải phóng mặt bằng chưa thực hiện chi trả được cho dân đang gửi tại tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên” và kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền nêu trên.

            Năm 2010, Đại học Thái Nguyên được cấp 10 tỷ đồng, theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Trung ương đến ngày 30/6/2010, số liệu giải ngân của dự án này vẫn bằng 0. Tại cuộc họp về kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011 ngày 03/8/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chuyển số vốn cho các dự án khác đã có khối lượng.

           3- Về thực hiện quyết toán dự án hoàn thành: Đến thời điểm hiện nay, chỉ tính riêng nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, Đại học Thái Nguyên có 04 dự án chưa được quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

          Theo chỉ đạo tại công văn số 921/TTg-KTTH ngày 20/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ thì: “Không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư có 3 dự án trở lên vi phạm qui định về thời gian lập báo cáo quyết toán”.
          Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo Đại học Thái Nguyên thực hiện các công việc liên quan đến các dự án của trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Giáo dục và đào tạo.
Kiến nghị 2: “Theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2009-2010, học phí của sinh viên đại học là 240.000 đồng/tháng (tăng 60.000 đồng/tháng tương đương với 33% so với năm học trước). Nhưng so với mức học phí 180.000 đồng/tháng được áp dụng ở thời điểm năm 1998 thì mức học phí như hiện nay là thấp hơn nhiều. Bởi vì sau hơn 10 năm tỉ lệ lạm phát chung trên cả nước là hơn 60% thì việc tăng thêm 33% là chưa đủ đầu tư cho đào tạo tại các trường đại học để đảm bảo mức bù đắp của các trường trong việc đầu tư đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo đại học”.

Trả lời (Công văn 5736/BGDĐT-VP):
    Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, theo đó mức trần học phí đối với dào tạo trình độ đại học tại trường công lập đã được điều chỉnh tăng theo nhóm ngành và theo năm học (từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015). Với mức học phí theo ngành và hỗ trợ của ngân sách nhà nước hàng năm đã từng bước bù đắp chi phí đào tạo của các nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

Kiến nghị 3: “ Tỷ lệ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên của các trường đại học ở miền núi cao (từ 25-30%) đã ảnh hưởng tới nguồn thu của các nhà trường. Đề nghị Chính phủ có chính sách cấp bù kinh phí miễn giảm học phí và bao cấp học bổng cho đại học hoặc cấp kinh phí ưu đãi trực tiếp cho học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách, tăng kinh phí cho đào tạo hệ cử tuyển để học sinh, sinh viên thuộc hệ đào tạo này được thực hiện nghĩa vụ đóng góp bình đẳng với học sinh, sinh viên khác”.

Trả lời (Công văn số 5709/BGDĐT-KHTC):
Tại khoản 2, Điều 7, Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến ănm học 2014-2015 quy định: “Nhà nước thực hiện cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập để các đối tượng này đóng học phí đầy đủ cho nhà trường”. Như vậy, tỷ lệ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên của các trường đại học ở miền núi cao không làm ảnh hưởng tới nguồn thu của các nhà trường, thay vì việc miễn giảm học phí theo cơ chế cũ, học sinh sinh viên các trường được cấp trực tiếp tiền học phí để nộp cho các cơ sở giáo dục và đào tạo nơi mình đang học tập.
    Đối với học bổng chính sách, áp dụng cho các đối tượng là học sinh, sinh viên hệ cử tuyển; học sinh, sinh viên đang học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học và học viên là thương binh, người tàn tật, người khuyết tật đang học trong các trường dạy nghề dành cho thương binh, người tàn tật, người khuyết tật. Kinh phí để đào tạo người theo học chế độ cử tuyển được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo hàng năm theo các quy định hiện hành do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chi trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục theo cơ chế Nhà nước đặt hàng. Như vậy, đối với sinh viên thuộc diện cử tuyển ngoài những chính sách ưu đãi về giáo dục và đào tạo thì các học sinh này được hoàn toàn bình đẳng đối với các học sinh, sinh viên khác.

Kiến nghị 4: “Đề nghị Chính phủ ưu tiên phê duyệt và bố trí các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực đào tạo cho các trường mới thành lập, nhất là các dự án ODA, các dự án đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời đảm bảo ngân sách cho các trường này, đặc biệt là phần ngân sách để trả lương cho cán bộ, giảng viên”.

Trả lời (Công văn số 5721/BGDĐT-VP):
    Đối với các trường đại học công lập mới thành lập, các Bộ ngành, địa phươngphê duyệt các dự án đầu tư, ưu tiên bố trí vốn để thực hiện xây dựngcơ sở vật chất, đào tạo giáo viên, tăng cường nghiên cứu khoa học kể cả hỗ trợ chi thường xuyên.
    Nguồn vốn đầu tư cho các trường công lập mới thành lập chủ yếu là ngân sách nhà nước (trong đó có vốn ODA) và nguồn tự có của nhà trường (bao gồm học phí, đóng góp của tổ chức, cá nhân…). Theo quy định tại Nghị định số 49/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, phần chi cho các trường từ học phí không quá 40%, phần còn lại là ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu hợp pháp khác của trường.

Kiến nghị 5: “Đề nghị chính phủ xây dựng hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục đại học để làm quy chuẩn cho hệ thống giáo dục đại học và tự đánh giá các cơ sở giáo dục đại học”.

Trả lời (Công văn số 5715/BGDĐT-VP):
Việc xây dựng hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục là một nhiệm vụ mới và quan trọng được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 (sẽ ban hành vào năm 2010), đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Dự kiến, năm 2011, thành lập và đưa vào hoạt động một số tổ chức kiểm đinh độc lập để thực hiện việc đánh giá ngoài và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Tuy công tác kiểm định được triển khai cho tất cả các cấp học nhưng kiểm định giáo dục đại học được ưu tiên hàng đầu để làm quy chuẩn cho công tác kiểm định các bậc học khác.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đẩy mạnh công tác tự đánh giá các cơ sở giáo dục đại học. Dự kiến đến năm 2010 có ít nhất 40%, năm 2011 có 60%, năm 2012 có 80%, năm 2013 có 95% cơ sở giáo dục đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá trên tổng số các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước; trong các năm 2016-2020 có ít nhất 95% số cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thành báo cáo tự đánh giá vòng 2.

Đọc thêm