Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 có nhiều điều luật phản ánh sự gắn kết quyền và nghĩa vụ chặt chẽ của vợ chồng trong đời sống gia đình. Điều này thể hiện rõ nét qua quyền lập di chúc chung để duy trì khối tài sản chung hợp nhất cho con cháu của vợ chồng. Tuy nhiên, thực tiễn đã nảy sinh khá nhiều vướng mắc pháp lý.
|
Người còn sống không thể định đoạt di sản
Trong số các vướng mắc thì lớn nhất là việc khi vợ hoặc chồng chết trước, người còn lại cũng như người thừa kế theo di chúc không thể định đoạt di sản như bán, thế chấp… Chẳng hạn như trường hợp ông T.V.T ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai), vốn có nhà bạc tỉ nhưng cuối đời phải sống trong cảnh khổ. Vợ chồng ông lập di chúc chung để lại căn nhà duy nhất trị giá khoảng 2 tỉ đồng cho hai con.
Sau khi vợ mất, hai con bỏ rơi ông, không đứa nào chăm sóc vì chê cha khó tính, hay cáu gắt. Nay tuổi già sức yếu, ông T muốn bán căn nhà của mình để có tiền trang trải tuổi già mà không được. Bước đường cùng, ông khởi kiện yêu cầu Tòa hủy bỏ di chúc cũng bị tòa từ chối thụ lý.
Đáng tiếc hơn là trường hợp của ông V.T.H ở TP.Tân An (Long An). Thương người con gái độc thân, vợ chồng ông lập di chúc để lại căn nhà đang ở cho chị. Năm 2006, vợ ông qua đời và hai năm sau, ông H bị tai biến, nằm liệt tại chỗ. Việc chữa trị, chăm sóc ông rất tốn kém trong khi chỉ một tay người con gái bươn chải. Nợ nần chồng chất, ông H và con bàn nhau bán nhà trả nợ, còn lại mua một căn nhà nhỏ để sinh sống và dư một ít tiền làm vốn cho cô con gái.
Lúc người con đem hồ sơ nhà đất và tờ di chúc ra phòng công chứng khai nhận di sản thì bị từ chối. Quay sang tư vấn để có thể thay đổi nội dung di chúc, tự bán phần một nửa căn nhà của ông, luật sư cho biết việc sửa đổi di chúc chung của vợ chồng không được làm thay đổi bản chất nội dung của di chúc… Bán nhà hay thế chấp vay tiền ngân hàng đều không được, cha con ông H đành ngậm ngùi chấp nhận hoàn cảnh “thiếu trước hụt sau” trớ trêu ấy.
Luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM) chỉ ra: Hệ lụy rắc rối trên bắt nguồn từ Điều 668 BLDS năm 2005 quy định di chúc chung vợ chồng chỉ có hiệu lực khi cả hai người cùng chết hoặc khi người sau cùng chết. Theo đó, xảy ra tình trạng một bên vợ hoặc chồng còn sống hoặc người thừa kế không thể khai nhận di sản thừa kế khi người vợ hoặc chồng trong di chúc chung chết trước.
Việc áp dụng đúng tinh thần quy định này thì sẽ làm triệt tiêu đi quyền tranh chấp thừa kế, yêu cầu phân chia di sản của những đồng thừa kế khi một trong hai người lập di chúc còn sống vì nếu một bên vợ chồng trong di chúc chung còn sống thì di chúc vẫn chưa có hiệu lực pháp luật. “Nếu Tòa án nào “linh hoạt” thụ lý vụ án tranh chấp thừa kế đối với di chúc chung vợ chồng khi một người vợ hoặc chồng còn sống là hoàn toàn trái luật” – ông Thắng nói.
Quay lại với BLDS năm 1995?
Tại cuộc họp báo cáo Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp xin ý kiến về một số định hướng lớn trong xây dựng BLDS (sửa đổi) diễn ra vào cuối tuần qua, PGS.TS Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp cũng thừa nhận những bất cập, hạn chế của BLDS năm 2005 trong quy định về di chúc chung của vợ chồng.
Ông Huệ phân tích, các Điều 663, 664 và 668 BLDS hiện hành quy định vợ chồng có thể lập di chúc chung và di chúc chung có hiệu lực khi người sau cùng chết. Quy định này không phù hợp với bản chất pháp lý của di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo kinh nghiệm nước ngoài, pháp luật dân sự nhiều nước như Pháp, Nhật… không thừa nhận hình thức di chúc chung của vợ chồng.
“Mặt khác, BLDS cũng chưa quy định cụ thể trong khoảng thời gian giữa hai thời điểm chết của hai vợ chồng, việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung có được thực hiện hay không?. Người còn sống có những quyền nào đối với tài sản chung? Họ có nhu cầu hoặc pháp luật quy định họ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản riêng, việc sử dụng tài sản chung đã được định đoạt trong di chúc để thực hiện nghĩa vụ riêng hoặc thực hiện việc chia tài sản chung trong trường hợp này có được công nhận không?. Nếu vợ, chồng còn sống sửa đổi, bổ sung di chúc trong phần di sản của mình có dẫn tới hiệu lực của di chúc có bị thay đổi hay không?...”, đại diện Tổ biên tập Dự án BLDS (sửa đổi) nêu lên hàng loạt vấn đề và cho rằng chúng “đã gây nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật”.
Trong khi định hướng sửa đổi mà Tổ biên tập đề xuất là không thừa nhận hình thức di chúc chung của vợ chồng thì TS Nguyễn Minh Tuấn (Trường Đại học Luật) kiến nghị, nên chăng quay trở lại quy định như BLDS năm 1995 về di chúc chung của vợ, chồng.
Cụ thể, vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung, thì phải được sự đồng ý của người kia. Nếu một người đã chết, người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật. Nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó.
Thục Quyên