Sau loạt bài viết về việc Cục Người có công chưa chính xác trong việc hướng dẫn chuyên môn đối với Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh, gây khó khăn cho người dân mà PLVN đăng tải, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã sửa sai việc làm của cấp dưới...
Giải quyết thiếu công bằng
Báo PLVN ra ngày 26/10/2010 có bài phản ánh việc Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) thiếu thận trọng và không khách quan khi ban hành Văn bản số 546 chỉ đạo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh “Trước mắt chỉ tiếp nhận những hồ sơ có chứng từ trước khi ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT…" để giải quyết chế độ ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
|
Một văn bản làm khó dân... |
Ngày 4/11, Cục Người có công có Công văn số 941 gửi Báo PLVN cho rằng: Do địa Quảng Ninh có nhiều tiêu cực trong việc xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Để phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực phát sinh, Cục Người có công ban hành văn bản chỉ đạo đối với Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh là theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ LĐTBXH…Văn bản số 546 không “làm khó dân” mà là văn bản “giữ lấy nước” …
Nhận thấy trả lời của Cục Người có công là bảo thủ, nên trong các số báo ra ngày 18-19/11/2010, PLVN tiếp tục có các bài viết: “Giải quyết tiêu cực theo lối tiêu cực” và “Cần công bằng khi đi tìm công bằng”, phân tích những khía cạnh pháp lý cũng như quy định cụ thể của các văn bản pháp quy mà Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH đã ban hành trong việc giải quyết chế độ cho đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học.
Đồng thời chỉ ra rằng: Nếu Cục Người có công “kêu” các quy định của Bộ Y tế và Bộ LĐTBXH có sự lỏng lẻo, điều kiện quá dễ dàng; các cơ quan chức năng khi xác nhận bệnh tật cho các đối tượng lại thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc, từ đó nảy sinh tiêu cực…thì tại sao Cục này không đề nghị chỉnh sửa, bổ sung để các quy định được chặt chẽ và thuận lợi cho dân?
Tại sao Cục Người có công không đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những cán bộ và những cơ quan chức năng có sai phạm và tiêu cực khi làm thủ tục xác nhận cho các đối tượng chính sách?....
Trong khi những việc làm trên chưa được triển khai thì Cục này lại đề nghị Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh trước mắt dừng tiếp nhận hồ sơ có chứng từ trước khi ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế…
Phải tiếp nhận hồ sơ sau ngày ban hành Thông tư 08.
Sau loạt bài trên, vừa qua, sau khi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ này đã ra Thông báo số 4143/TB-LĐTBXH (23/11/2010), trong đó Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Bùi Hồng Lĩnh đã yêu cầu Sở LĐTBXH tỉnh này thực hiện đúng theo các văn bản pháp quy và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, của tỉnh….
Ngày 17/11/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có Văn bản số 4418/UBND-VX2, chỉ đạo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận, lập hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đối với 405 hồ sơ đã được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh kết luận nhưng chưa được giải quyết thì phải thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát lại để loại bỏ những trường hợp không đủ điều kiện, đồng thời xem xét, giải quyết kịp thời đối với những trường hợp có đủ điều kiện theo quy định sau khi có ý kiến phúc tra của cơ quan có thẩm quyền… |
Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009, trong quá trình giải quyết cần lưu ý: Khẩn trương giải quyết chế độ đối với những trường hợp bị mắc bệnh ung thư và những trường hợp có hồ sơ y tế (bệnh án, giấy ra viện...) trước ngày ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH, trong đó thể hiện bị mắc một trong các bệnh theo danh mục của Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đối với những trường hợp có hồ sơ y tế sau ngày ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH: Thực hiện tiếp nhận để xét duyệt theo đúng quy trình, đặc biệt là phải phối hợp với cơ quan y tế kiểm tra chặt chẽ từng hồ sơ, kiểm tra quá trình khám, điều trị bệnh của từng đối tượng, nhất là các bệnh: đái tháo đường type 2, tật gai sống chẻ đôi, thần kinh ngoại biên cấp và bán cấp tính nhằm loại trừ những trường hợp lập hồ sơ không đúng sự thật để hưởng chế độ của nhà nước.
Đối với 409 hồ sơ đã có biên bản giám định của Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Quảng Ninh thì thực hiện phân loại để xử lý như hướng dẫn nêu trên...
Những hồ sơ có bệnh án, giấy ra viện hoặc giấy tờ điều trị khác…lập sau ngày ban hành Thông tư số 08/2009/TT-BL, trong đó thể hiện bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính, đái tháo đường tuyp 2… yêu cầu Sở LĐTBXH phối hợp với Sở Y tế, Cục Người có công mời Hội đồng Giám định y khoa Trung ương giám định phúc quyết những trường hợp này.
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Y tế báo cáo, xin ý kiến Bộ Y tế về việc thực hiện Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT...Đặc biệt, Sở Y tế, Hội đồng Giám định y khoa và các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải thực hiện chặt chẽ quy trình khám, hội chẩn, cấp bệnh án, giấy ra viện và quy trình giám định để loại trừ các trường hợp tiêu cực, đảm bảo công bằng…”
Có thể thấy, động thái trên của Bộ LĐTBXH là tích cực, đảm bảo cho những người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm độc hoá học được hưởng chế độ đúng với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước./.
Đức Duy