Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang thông tin bịa đặt

(PLO) - Chiều nay (26/6),  tại Hà Nội, buổi họp báo thường kỳ của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao được tổ chức. Tham dự họp báo có đại diện các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. 
Khách mời trong buổi họp báo có ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển và ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư.
Trung Quốc vẫn cố tình gây căng thẳng trên biển Đông
Đúng 15h, buổi họp báo diễn ra, vẫn như thường lệ, mở đầu cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - ông Lê Hải Bình tuyên bố lý do và mục đích buổi họp báo. “Những ngày qua, khi giàn khoan Hải Dương 981 cùng lượng lớn máy bay, tàu của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phía Trung Quốc có thêm hoạt động phức tạp tình hình. Như cục Hải sự Trung Quốc nói giàn khoan Nam Hải 09 đến vị trí mới.” – ông Bình cho biết. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Lê Hải Bình chủ trì cuộc họp báo thường kỳ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Lê Hải Bình chủ trì cuộc họp báo thường kỳ. 
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao còn cho hay, vào 13h ngày 21/6, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện giàn khoan Nam Hải 09 đã đến vị trí Trung Quốc thông báo. Tiếp đó, Cục Hải sự Trung Quốc đưa tàu khảo sát vật lý địa cầu hoạt động tại Biển Đông. Khu vực giàn khoan Nam Hải và tàu khảo sát hoạt động là thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh bắc Bộ chưa phân định. 
“Theo luật pháp quốc tế, không bên nào được thăm dò, khai thác ở vùng chưa phân định. Hành động này diễn ra khi ông Dương Khiết Trì vừa sang thăm Việt Nam. Điều này làm dư luận quốc tế và Việt Nam lo ngại.” – ông Bình khẳng định. 
Bên cạnh đó, ông Bình còn cho biết, Trung Quốc đã phát hành bản đồ địa hình Trung Quốc trong đó có đường lưỡi bò, tiếp tục mở rộng, xây dựng trái phép trên một số hòn đảo ở Trường Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nói trên, không có hành động tương tự trong thời gian tới, tuân thủ luật pháp quốc tế.” – một lần nữa đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam thể hiện rõ quan điểm. 
Mới đây nhất, ngày 23/6, tàu kiểm ngư Việt Nam đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc vây ép, đâm húc gây thietj hại nặng. Vị trí này cách giàn khoan 11,5 hải lý. 
“Đây là hành vi hết sức nghiêm trọng, đe dọa tàu của Việt Nam hoạt động trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm công ước quốc tế về luật biển 1982. Việt Nam lên án mạnh mẽ hành động này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động gây hư hại cho tàu Việt Nam, đồng thời bồi thường cho tàu Kiểm ngư cũng như các tàu khác của Việt Nam đã bị gây hư hại.” – ông Bình nhấn mạnh. 
Tiếp sau phần phát biểu mở đầu của ông Lê Hải Bình, các phóng viên báo chí trong và ngoài nước tham gia đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề biển Đông.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đang bịa đặt
Liên quan tới tình hình biển Đông, phóng viên báo Tuổi Trẻ có đặt câu hỏi: Xin bình luận về phát ngôn của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc rằng tàu Việt Nam quấy rối, chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc?
Ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư đã trả lời đầy quyết đoán: “Chúng tôi bác bỏ thông tin này. Nói tàu Việt Nam cố tình đâm va là bịa đặt. Các tàu cá của Việt Nam cũng như tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hoạt động trên vùng biển Việt Nam là hoàn toàn bình thường theo luật pháp quốc tế.” 
Ông Hà Lê còn cho biết thêm, từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, các tàu Việt Nam thường xuyên bị tàu Trung Quốc đâm va, dùng biện pháp manh động để cản trở. Các hành động này là chủ động, có tổ chức, được tính toán trước, cố tình gây thiệt hại cho tàu Việt Nam. 
Ông Hà Lê bác bỏ thông tin vu cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Hà Lê bác bỏ thông tin vu cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. 
Phía Trung Quốc cho rằng sáng 23/6, tàu kéo Việt Nam đi vào vùng tác nghiệp bình thường của Trung Quốc, tôi xin cung cấp thông tin: Khi thực hiện nhiệm vụ, tàu kiểm ngư 951 bị 4 tàu của Trung Quốc chủ động bao vây, đâm va, gây hư hỏng nặng. Hành động này rất manh động, nguy hiểm, có tính toán để gây thiệt hại.
Lúc 9h20 phút, cách giàn khoan 981 khoảng 11,5 hải lý, đã bị hai tàu kéo chủ động áp sát, phun nước. Sau đó tàu kéo Mỹ Liên 09 dùng tốc độ cao đâm vào tàu kiểm ngư Việt Nam, không cho tàu Kiểm ngư vòng tránh, để tàu khác đâm trực diện vào tàu Kiểm ngư Việt Nam.
Đã có 27 tàu Kiểm ngư bị đâm va, gây thiệt hại, có 15 kiểm ngư viên bị thương. Tàu Việt Nam đã bị hư hỏng toàn bộ phòng y tế, gây thiệt hại các thiết bị trên tàu.
Trước việc Trung Quốc khẳng định không đưa tàu chiến ra khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam trả lời câu hỏi phóng viên báo Tiền Phong như sau: 
Ông Ngô Ngọc Thu khẳng định Trung Quốc đang sử dụng 6 tàu chiến gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
Ông Ngô Ngọc Thu khẳng định Trung Quốc đang sử dụng 6 tàu chiến gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981. 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc không dùng tàu quân sự bảo vệ giàn khoan, xin khẳng định tàu quân sự Trung Quốc thường xuyên có mặt ở hiện trường, tổng cộng đã có 6 loại tàu chiến. 
“Chúng tôi đã chụp được hình ảnh, đăng ký được tọa độ. Và không riêng gì phía Việt Nam mà các bạn phóng viên quốc tế cũng ghi được hình ảnh.” – ông Hà Lê nhấn mạnh thêm. 
Nên Trung Quốc nói không dùng tàu quân sự mà tàu này chỉ đi qua là sai sự thật, lời nói của họ không đi đôi với việc làm. 
Tại hiện trường, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tàu chấp pháp Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm chủ trương bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình.  
Trong thời buổi hiện nay, vị trí tàu thuyền trên biển có thể dễ dàng xác nhận vị trí. Vì vậy, việc đưa tàu chiến ra của Trung Quốc không giấu được ai. 
Việc Trung Quốc vừa phát hành đường 10 đoạn nuốt trọn biển Đông. Ông Lê Hải Bình cũng nêu rõ quan điểm: Xin khẳng định việc phát hành bản đồ đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị nhiều nước phản đối. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc. 
Việt Nam luôn giữ thiện chí giải quyết bằng hòa bình
Trong buổi họp báo, phóng viên báo Dân Việt: Trong chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì, hai bên đã nhất trí sớm ổn định tình hình biển Đông. Nhưng sau đó Trung Quốc vẫn ngang ngược trên biển Đông, ông thấy thế nào?
“Tôi đã khẳng định để giải quyết vấn đề phải có thiện chí từ hai phía. Nếu chỉ có một phía thì vấn đề không thể được giải quyết. Với hành động ngang ngược thì vấn đề còn có thể nghiêm trọng hơn” – ông Lê Hải Bình Khẳng định trong khi trả lời câu hỏi của phóng viên. 
Liên quan tới thiện chí hòa bình của Việt Nam, hãng thông tấn  AFP có đặt câu hỏi: Việt Nam có đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế không, nếu có thì bao giờ? Vẫn có nhiều tour du lịch từ Trung Quốc sang Việt Nam bị hủy bỏ. Ông bình luận gì?
Đại diện Bộ Ngoại giao ông Lê Hải Bình trả lời: Tôi đã khẳng định nhiều lần Việt Nam đã, đang sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền. Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình,văn minh, được thế giới ủng hộ. Hiện Việt Nam đang nghiên cứu, cân nhắc kỹ thời điểm áp dụng biện pháp này. 
Trong lúc nỗ lực đàm phán với Trung Quốc, Việt Nam chủ trương duy trì hoạt động bình thường giữa hai bên. Về việc khách du lịch Trung Quốc hủy bỏ tour sang Việt Nam, xin khẳng định sau vụ việc như tại Bình Dương, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết giải quyết sự việc. Đến nay, các khu vực có người Trung Quốc đều được đảm bảo an toàn./. 

Đọc thêm