"Bỏ nhà" 60 năm vẫn thắng kiện

 Tài sản đã “đổi chủ” nhiều lần nhưng người sử dụng đất sau cùng lại mất quyền cho dù đã nhận chuyển quyền một cách ngay tình.

Tài sản đã “đổi chủ” nhiều lần nhưng người sử dụng đất sau cùng lại mất quyền cho dù đã nhận chuyển quyền một cách ngay tình.

Đòi nhà sau gần 60 năm im lặng

Theo hồ sơ vụ án, năm 1951, bố mẹ của 9 nguyên đơn có cho một người thuê mảnh đất ở, khoảng 30m2 tại quận Hai Bà Trưng, nay là số 5 phố Tuệ Tĩnh. Sau đó do hoàn cảnh chiến tranh và biến động của lịch sử nên gia đình không tiếp tục cho thuê lô đất đó nữa. Sau đó, diện tích đất này đã được HTX Hoàng Diệu quản lý, sử dụng ổn định. Trong quá trình HTX Hoàng Diệu sử dụng đất, gia đình nguyên đơn có tìm đến chủ nhiệm HTX Hoàng Diệu để đòi đất nhưng không gặp. Vì thế, việc đòi đất cũng không diễn ra và HTX Hoàng Diệu sử dụng đất liên tục trước khi bán cho bị đơn là ông Vũ Văn Định. Tính từ lúc không quản lý thửa đất đến khi khởi kiện, gia đình nguyên đơn đã không sử dụng đất này khoảng 60 năm.

Nhà số 5 Tuệ Tĩnh
Nhà số 5 Tuệ Tĩnh

Đầu năm 1982, HTX Hoàng Diệu xây dựng lại căn nhà. Đến năm 1996, HTX Hoàng Diệu kết nạp ông Định làm xã viên HTX và đồng ý chuyển giao cho vợ chồng ông Định toàn bộ căn nhà số 5 Tuệ Tĩnh đã bán căn nhà này cho ông Định và ông Định đã liên tục sử dụng căn nhà đó đến nay.

Theo các nguyên đơn, lý do họ đòi nhà sau hơn nửa thế kỷ trôi qua là do “hoàn cảnh cấp thiết sử dụng”. Họ yêu cầu ông Định phải trả lại toàn bộ diện tích nhà đất mà không chấp nhận đền bù cho người đã mua nhà mà chỉ đồng ý thanh toán giá trị xây dựng theo quy định của Nhà nước.

Đứng trước vụ kiện “trên trời rơi xuống” này, ông Định cho biết về nguồn gốc trước đây của ngôi nhà này thế nào thì ông không rõ vì theo ông “nhà đất ở thời điểm tôi mua miễn hợp pháp là được, có ai nghĩ rằng sẽ có ngày con cháu chút chít của người từng ở đây cả trăm năm về trước lại quay lại đòi nhà”. 

Cụ thể, ông xin gia nhập HTX Hoàng Diệu vào năm 1997 và góp vốn 101 lượng vàng, đổi lại ông chính thức nhận sử dụng khai thác nhà này. Năm 2006, HTX làm ăn không hiệu quả nên ông xin rút ra khỏi HTX và ông được chính thức sở hữu nhà số 5. Khi chuyển nhượng, giữa ông và HTX đã thực hiện đầy đủ thủ tục giấy tờ. Vì vậy, ông Định không chấp nhận yêu cầu trả lại nhà vì những người đòi nhà thiếu cơ sở pháp lý và việc ông mua nhà từ HTX Hoàng Diệu là việc xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với ngôi nhà.

Tòa án bất ngờ “rũ rối”

Trong phiên tòa sơ thẩm mở ngày 15/6/2011 vừa qua, TAND quận Hai Bà Trưng đã quyết định buộc ông Vũ Văn Định phải trả lại toàn bộ ngôi nhà cho các nguyên đơn.

Căn cứ để tòa án ra quyết định trên, chỉ đơn giản là xét vào các tài liệu lưu trữ thời... thuộc Pháp cách đây đến gần 1 thế kỷ. Những thứ trên được lập năm 1935 đứng tên những người đều đã chết cách nay nhiều thập kỷ. Còn quãng thời gian từ năm 1935 đến nay, dù căn nhà đã trải qua rất nhiều người, mua đi bán lại, trải qua nhiều lần chế độ chính sách về đất đai thay đổi thì lại hoàn toàn không được Tòa án nhắc tới.

Cũng trong phiên tòa này, HĐXX đã không viện dẫn ra được quy định nào của pháp luật để chứng minh quyết định của mình là “thấu tình đạt lý”. Luật gia Nguyễn Văn Việt, Hội luật gia Hà Nội nhận xét: Quyết định này là không hợp lý, không thuyết phục vì Tòa án đã không chỉ ra được nguyên đơn có quyền lấy lại căn nhà dựa theo điều khoản nào, văn bản nào, quy định nào của pháp luật. Tòa án đã xử theo kiểu “rũ rối” sự việc, trái quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thế Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Trong vụ việc này, Tòa sơ thẩm đã quên một nguyên tắc sơ đẳng mà Luật đã quy định với các trường hợp tranh chấp về đất đai. Cụ thể, khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai năm 2003 đã quy định rõ “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Chiểu theo quy định này, đơn khởi kiện của 9 nguyên đơn lẽ ra không được thụ lý. 

Theo Luật sư Nguyễn Thế Anh, không thể có chuyện cứ cho rằng “ngày xưa cụ kị tôi ở đây” rồi đòi lại được nhà”. Luật sư Thế Anh tiếp tục viện dẫn một điều khoản khác để chứng minh các bên nguyên đơn đã mất quyền đòi lại căn nhà. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 247 Bộ luật Dân sự “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.  

Theo quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tại Điều 170 Bộ luật Dân sự, ông Định hoàn toàn có quyền sở hữu căn nhà nêu trên do đã được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận. Tòa Phúc thẩm cần phải xem xét lại vụ án này, tránh việc ra những bản án thiếu căn cứ, sai quy định pháp luật, vi phạm quyền lợi của người đã nhận chuyển nhượng tài sản như bản án sơ thẩm nêu trên đã mắc phải.

Trường Giang

Đọc thêm