Bộ Nội vụ trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới kỳ họp thứ 7

Bộ Nội vụ đã có công văn trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12

Kiến nghị 1:
Đề nghị quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ đã có nhiều năm liên tục công tác, là chủ nhiệm hợp tác xã, phó các đoàn thể cấp xã, cán bộ thôn khi nghỉ hưu được tính cả năm công tác này để hưởng chế độ BHXH.
Trả lời: (Tại công văn số 2841/BNV- CQĐP)
Liên Bộ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ – CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Khoản 3, Điều 8 Thông tư quy định: Cán bộ xã có thời gian gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 1998 của Chính phủ mà chưa hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần (kể cả các trường hợp đã có quyết định nghỉ chờ giải quyết chế độ nhưng chưa gửi hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội), thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Như vậy, các đối tượng là cán bộ xã, phường, thị trấn nghỉ theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì sau ngày Thông tư có hiệu lực sẽ được các địa phương tổ chức hướng dẫn thực hiện.
Riêng các chức danh Phó các đoàn thể cấp xã, cán bộ thôn là người hoạt động không chuyên trách nên thời gian làm việc không được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Kiến nghị 2:
Theo quy định của pháp luật chuyên ngành có quy định chức danh cán bộ cấp xã nhưng theo quy định tại Nghị định 92 thì không quy định và cũng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh ở cơ sở trên các địa bàn chiến lược. Do vậy kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ bổ sung Nghị định 92 chế độ đối với một số chức danh cán bộ văn phòng, công an viên(điều 18 pháp lệnh công an xã), lâm nghiệp đối với những xã có rừng theo quy định của Luật bảo vệ rừng, Văn phòng Đảng ủy; đề nghị Trung ương nghiên cứu tăng biên chuyên trách hoặc có chính sách thỏa đáng đối với cán bộ làm công tác Đảng tại các xã, thị trấn như: cán bộ văn phòng cấp ủy, trưởng ban tuyên giáo, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Vì ở cấp cơ sở các chức vụ trên đều do đồng chí Thường trực đảng ủy kiêm nhiệm, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, chất lượng công việc được giao; đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, đảm bảo tương xứng với trách nhiệm, nhiệm vụ được giao (hiện nay đối tượng này còn nhiều thiệt thòi, không có chế độ lương, không có bảo hiểm y tế)
Trả lời: (Tại công văn số 2840/BNV-CQĐP)
Các chức danh Văn phòng Đảng ủy, Trưởng ban tuyên giáo Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Công an viên là những người hoạt động không chuyên trách cấp xã hoặc thôn, tổ dân phố.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Chính phủ chỉ quy định khung số lượng những người hoạt động không chuyên trách:
-    Đối với xã, phường, thị trấn loại 1: bố trí không quá 22 người;
-    Đối với xã, phường, thị trấn loại 2: bố trí không quá 20 người;
-    Đối với xã, phường, thị trấn loại 3: bố trí không quá 19 người;
-    Mỗi thôn, tổ dân phố bố trí không quá 03 người.
Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định chức danh những người hoạt động không chuyên trách; mức phụ cấp cụ thể của từng chức danh; mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh; mức khoán kinh phí chi trả phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách theo loại đơn vị hành chính cấp xã, loại thôn, tổ dân phố.
Việc quy định mức phụ cấp cụ thể của từng chức danh và bố trí kiêm nhiệm chức danh như thế nào để có hiệu quả thiết thực là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Kiến nghị 3:
Đề nghị Chính phủ có chính sách giải quyết chế độ cho các đối tượng là cán bộ xã, phường nghỉ theo Nghị định số 09/NĐ-CP mà không chuyển lương theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ, hiện nay còn nhiều đối tượng nghỉ tại thời điểm đó chưa đủ tuổi nghỉ hưu, chưa đủ thời gian đóng BHXH nhưng đã đủ thời gian công tác chưa được giải quyết chế độ. Nên quy định độ tuổi nghỉ hưu cho cán bộ cấp xã đối với nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi và thời gian đóng BHXH là 15 năm là hợp lý. Cần tính thời gian tham gia quân đội, chủ nhiệm hợp tác xã các thời kỳ để tính thời gian công tác cho nhóm đối tượng này.
Trả lời: (Tại công văn số 2842/BNV-CQĐP)
Liên Bộ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội đã có Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Khoản 3, Điều 8 của Thông tư quy định: Cán bộ xã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 1998 của Chính phủ mà chưa hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần (kể cả các trường hợp đã có quyết định nghỉ chờ giải quyết chế độ nhưng chưa gửi hồ sơ đến cơ quan bảo hiểm xã hội), thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về thời gian tham gia công tác, Thông tư quy định: Trường hợp có thời gian công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ trước ngày 15 tháng 12 năm 1993 và không hưởng trợ cấp nghỉ việc một lần theo quy định tại Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 và Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội với thời gian giữ chức danh theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính hướng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, các đối tượng là cán bộ xã, phường, thị trấn nghỉ theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP thì sau ngày Thông tư có hiệu lực sẽ được các địa phương tổ chức hướng dẫn thực hiện.

Kiến nghị 4:
Đề nghị Chính phủ bổ sung xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vào danh sách những xã được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp và các ưu đãi khác đối với cán bộ, viên chức y tế, lao động hợp đồng và cán bộ nhân viên quân y trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước theo Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ, vì xã Quân Chu là xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ theo Nghị định trên nhưng trong danh sách các xã được hưởng theo Nghị định thì thiếu xã Quân Chu, chưa có tên trong danh sách để thực hiện chế độ.
Trả lời: (Tại công văn số 2880/BNV-TL)
Căn cứ Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 hướng dẫn thực hiện, trong đó tại điểm c khoản 5 Điều 1 Thông tư liên tịch này đã quy định các xã, thôn, bản được bổ sung vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) quy định tại Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Chính phủ là vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.
Theo quy định tại mục 10 phụ lục II (danh sách các xã bổ sung vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2006-2010) ban hành kèm theo Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg nêu trên thì xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.

Kiến nghị 5:
Đề nghị Bộ Nội vụ sớm giao biên chế cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở khối lượng công việc tăng thêm (bổ sung chế độ Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm thất nghiệp, mở rộng bảo hiểm y tế,…) để Bảo hiểm xã hội Việt Nam bổ sung chỉ tiêu biên chế cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nhẳm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời bổ sung biên chế thanh tra cho ngành Lao động Thương binh và Xã hôi.
Trả lời: (Tại công văn số 2562/BNV-TCBC)
-    Giao biên chế cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam:
Căn cứ Luật Cán bộ công chức năm 2008, Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức, Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 về quản lý biên chế công chức thì biên chế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm có: biên chế công chức và biên chế viên chức sự nghiệp. Việc giao biên chế đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải trên cơ sở kế hoạch biên chế công chức, biên chế viên chức sự nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, trong đó căn cứ vào vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị được Chính phủ quy định.
Vì vậy, việc sớm giao chỉ tiêu biên chế công chức, biên chế viên chức sự nghiệp đói với Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải trên cơ sở văn bản đề nghị và các tài liệu liên quan đến việc lập kế hoạch biên chế công chức, biên chế viên chức sự nghiệp kèm theo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó làm rõ về căn cứ xác định biên chế công chức, biên chế viên chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý biên chế.
Đối với việc bổ sung biên chế công chức, biên chế viên chức sự nghiệp cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế viên chức sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Số lượng cụ thể theo Đề án của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đề nghị và phải làm rõ về căn cứ xác định biên chế công chức, biên chế viên chức sự nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý biên chế.
-    Giao bổ sung biên chế thanh tra cho ngành Lao động Thương binh và Xã hội:
Biên chế công chức thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nằm trong tổng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng cụ thể theo Đề án của thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện đề nghị và phải làm rõ về căn cứ xác định biên chế công chức theo quy định của pháp luật về quản lý biên chế.
Vì vậy, việc giao bổ sung biên chế thanh tra cho ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phải trên cơ sở văn bản đề nghị và các tài liệu liên quan đến việc lập kế hoạch biên chế công chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó làm rõ về căn cứ xác định biên chế công chức thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.

Kiến nghị 6:
Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ vừa tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định và tạo cơ hội phát triển.
Trả lời: (Tại công văn số 2537/BNV-TCBC)
Nghị định số 231/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2011. Hiện nay các Bộ, ngành, địa phương trong đó có tỉnh Thái Nguyên vẫn đang tổ chức thực hiện Nghị định nêu trên.

Đọc thêm