Cần qui trách nhiệm của người ban hành chính sách
Cho rằng “không thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đồng hành với tiêu cực tham nhũng nên hạn chế, ngăn chặn được lãng phí cũng có nghĩa là ngăn chặn, hạn chế được tham nhũng”, ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đề nghị quy định rõ hơn bằng chế tài, điều luật cụ thể đối với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền mà không xử lý hành vi gây lãng phí. Đồng thời, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐB này cũng đề nghị Chính phủ “tiến hành rà soát, sắp xếp và bố trí lại bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, tinh giản biên chế để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước”.
Từ thực tiễn thi hành Luật, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cảm nhận: “Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ mới chạm tới phần ngọn mà bỏ qua cái gốc, bởi do ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỷ đồng nhưng người ra quyết định cùng lắm thì cũng chỉ bị phê bình, khiển trách”. Nên ĐB Thúy cho rằng: “Đã đến lúc xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với người có thẩm quyền ra quyết định trong Dự thảo Luật chuyên ngành về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Đó là việc kiên quyết phải làm và làm triệt để, quyết không “đánh trống bỏ dùi”.
Nhiều ĐB Quốc hội cũng nhận thấy, muốn phòng, chống lãng phí thì phải bổ sung quy định trách nhiệm của người ban hành chính sách chủ trương gây ra hậu quả lãng phí như quan điểm của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Vấn đề quy trách nhiệm của người ban hành chính sách là cụ thể hóa để xử lý trách nhiệm của người ban hành chính sách, tức là trách nhiệm của một cá thể thực hiện một công việc của một tập thể theo một quy trình đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên việc này sẽ phải nghiên cứu kỹ. Xử lý hành chính thì thấy rõ rồi, nhưng xử lý hình sự thì phải căn cứ vào các quy định của hệ thống pháp luật”.
Tăng cường giám sát của xã hội để ngăn chặn lãng phí
Với mong muốn Luật thực sự đi vào cuộc sống, không chỉ là “hô khẩu hiệu suông”, các ĐB Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định về vai trò giám sát của người dân, của cộng đồng, vai trò trách nhiệm của báo chí trong phát hiện lãng phí. Cần làm rõ cơ chế công khai minh bạch, cung cấp thông tin để có căn cứ giám sát và theo dõi việc xử lý; cơ chế công khai địa chỉ, nội dung vi phạm gây lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên của mọi cơ quan, mọi ngành, mọi cấp, không trừ bất cứ một cơ quan nào.
Theo ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai), để tăng cường tính giám sát của Luật hơn nữa thì ngoài việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi nhận được phản ánh về các hành vi lãng phí xảy ra phải chỉ đạo, kiểm tra, xem xét để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời và trả lời bằng văn bản cho người đã phát hiện, cần bổ sung nội dung quy định cụ thể về thời hạn trả lời cho người phát hiện lãng phí, vì nếu Luật không quy định cụ thể về thời hạn sẽ dẫn đến khả năng người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình kéo dài thời gian trả lời, quên hoặc cố tình quên, làm giảm đi niềm tin của người tham gia chống lãng phí.
Để tăng hiệu lực tính cưỡng chế, tức là nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi gây lãng phí, ĐB Siu Hương (Gia Lai) đề nghị: “Dự thảo Luật này cần quy định các loại hành vi vi phạm và chế tài hay hậu quả pháp lý mà cơ quan, tổ chức, cá nhân gây lãng phí phải gánh chịu và thẩm quyền áp dụng; giao Chính phủ quy định thẩm quyền hình thức, mức độ cụ thể theo từng hành vi như Quốc hội đã làm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính; đừng nên ghi chung chung theo luật, tùy theo mức độ vi phạm xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của báo chí trong việc phát hiện và đưa ra công luận các hành vi tham nhũng, lãng phí nhưng trong Dự thảo Luật chưa có quy định thỏa đáng nào về vai trò của cơ quan truyền thông: “Cần bổ sung thêm quy định về vai trò, trách nhiệm của báo chí, đài phát thanh truyền hình trong Luật và cũng nên đặt vấn đề công bố công khai các cơ quan, tổ chức gây thất thoát lãng phí để nhân dân biết và ngăn chặn”…
Chiều cùng ngày, thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh (HCM), đa số các ĐB Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38 để hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến giao thông trọng điểm, có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội lớn lao này.
Tuy nhiên, theo nhiều ĐB Quốc hội, vấn đề cần quan tâm khi điều chỉnh là cần thay đổi quan điểm về đầu tư để “đầu tư gắn với hiệu quả”. Thực tế thời gian qua cho thấy, hiệu suất của đường HCM chưa cao nên “quốc lộ 1 vẫn ùn tắc mà đường HCM vẫn vắng vẻ”. Nguyên nhân là do chưa có sự quan tâm đầu tư cho các công trình, dịch vụ phụ trợ, hỗ trợ cho việc khai thác toàn tuyến đường HCM và kết nối với quốc lộ 1.
Vì thế, theo nhiều ĐB Quốc hội, trong thời gian tới, cần xác định mục tiêu dài hạn là thời gian hoàn thành tuyến, đầu tư đồng bộ với cách thức đầu tư cho phù hợp với thực tiễn, cân đối vốn để “đảm bảo thông tuyến tối thiểu, tránh gây lãng phí lớn vì không khai thác được những đoạn đã hoàn thành”…