Bộ Quốc phòng tăng cường chống khai thác hải sản bất hợp pháp

(PLVN) -  Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Trọng Bình đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm của ngư dân để tuyên truyền và xử phạt nghiêm; tăng cường phối hợp, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm của ngư dân để chống khai thác thủy hải sản trái phép.
Tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt trên biển.

Nhiều tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Những ngày này, tàu cá các tỉnh đánh bắt xa bờ tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa… đã vươn khơi bám biển trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Dự kiến, tháng 5/2020 Đoàn thanh tra EC sẽ tiếp tục vào Việt Nam để xem xét các khuyến nghị.

Lộ trình thực hiện lắp đặt trang bị thiết bị giám sát hành trình cho nhóm tàu bắt buộc đủ điều kiện để ra khơi có hạn cuối là ngày 1/4/2020. Tuy nhiên, đến nay, tại các tỉnh, nhiều tàu đánh bắt ngoài khơi vẫn chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, đến nay toàn tỉnh đã có 430 tàu lắp đặt thiết bị hành trình, theo đúng lộ trình. Dự kiến đến 1/4, toàn bộ 814 tàu trên địa bàn sẽ sắp đặt thiết bị này đầy đủ theo quy định.Từ tháng 10/2018 đến nay, tỉnh không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiện Khánh Hòa đang tập trung các kiến nghị như đẩy mạnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và giám sát hành trình khai thác tàu cá trên biển; đồng thời tăng cường xử lý tàu cá vi phạm theo Nghị định 42.

Từ năm 2015 đến nay đội tàu thuyền ở Sóc Trăng không vi phạm khai thác bất hợp pháp. Toàn tỉnh có đội tàu đánh cá biển với 1.212 chiếc, tổng công suất 187.382CV, trong đó 358 tàu có chiều dài trên 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, còn lại 854 chiếc có chiều dài dưới 15m.

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng, số lượng tàu (trên 90CV, 15m/tàu) được kiểm tra đến ngày 20/2/2020 có trên 3.700 lượt cập cảng, rời cảng. Phần lớn tàu đủ điều kiện xuất và cập bến. Từ đầu năm 2020 đến nay tỉnh đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 34 tàu cá đạt loại B.

Đến nay, tỉnh triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình cho 189 tàu cá (có chiều dài lớn nhất trên 15m), chiếm trên 51,6%; 71 tàu đến hạn chưa lắp máy còn nằm bờ do ảnh hưởng thời tiết, 106 tàu (chiếm trên 29%) theo lộ trình lắp đặt đến 1/4.

Quân đội tăng cường xử lý vi phạm

Thời gian qua, mặc dù tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm trên các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn một bộ phận ngư dân cố tình vi phạm khiến cho những nỗ lực trong việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng đối với việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, Việt Nam vẫn còn hơn 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa triển khai kịp tiến độ theo lộ trình quy định, do chưa được bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tàu cá, giám sát hành trình, sản lượng qua cảng… chưa kết nối đồng bộ; việc ghi, nộp nhật ký khai thác thực hiện chưa nghiêm túc, thông tin ghi chưa đầy đủ, không chính xác dẫn tới hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc…

Xuất phát từ thực tế đó, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng (BQP) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được thành lập theo Quyết định số 78/QĐ-BQP ngày 8/1/2020 của Bộ trưởng BQP, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng BQP chỉ đạo giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền của BQP liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần thứ nhất của Bộ Quốc phòng về IUU để triển khai nhiệm vụ, Chuẩn đô đốc Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng yêu cầu các Bộ Tư lệnh: Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và các thành viên thuộc Ban Chỉ đạo IUU BQP rà soát lại quyền hạn, nhiệm vụ của lực lượng, cơ quan mình theo Quyết định của BQP để tổ chức thực hiện.

Đồng thời khẩn trương bắt tay thực hiện nghiêm túc, tăng cường công tác kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm của ngư dân để tuyên truyền và xử phạt nghiêm; tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm của ngư dân cũng như kịp thời bảo vệ những ngư dân làm ăn chính đáng trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Đọc thêm