Những “cột mốc sống” trên biển ngày Tết
Phong trào đi biển xuyên Tết bắt đầu khoảng chục năm trở lại đây. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, đây là thời điểm dễ trúng luồng cá thu, cá ngừ, cá mực… nhất. Theo quy luật dòng chảy, vào những ngày Tết, cá dồn về vùng sâu để trú vì nước lạnh, vì vậy, Hoàng Sa, Trường Sa ngoài là ngư trường truyền thống, do là vùng biển nước sâu nên còn là sự lựa chọn cho chuyến biển cuối năm, đầu năm của các tàu cá miền Trung.
Trên hết, nói như ngư dân Trần Anh (SN 1964, thôn Vĩnh An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chủ tàu cá QNg 95487TS, chúng tôi và cả bà con ngư dân đều xác định, nhiệm vụ của người đi biển ngoài kiếm tôm cá đầy khoang để về phục vụ cuộc sống thì còn mang sứ mệnh thiêng liêng hơn là trở thành những “cột mốc sống” cho chủ quyền Tổ quốc trên biển đảo.
Tự hào lá cờ Tổ quốc tung bay trên ngư trường truyền thống
Ngư dân Nguyễn Văn Sinh, Thuyền trưởng tàu cá BĐ 96812 (ở Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định): “Chúng tôi chuyên câu mực, đánh bắt cá ngừ đại dương ở Hoàng Sa. Ăn Tết trên biển chỉ thiếu không khí gia đình, chứ thứ gì cũng đầy đủ.
Thuyền viên các tàu mỗi người một quê, nhưng trong không khí đón Tết trên biển, chúng tôi như người thân thích trong một nhà. Trên biển, chẳng cần biết tàu của địa phương nào, cứ thấy cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay là thấy vững tâm, hạnh phúc bởi biết đó là đồng bào mình, cùng làm ăn sinh sống trên ngư trường truyền thống của ông cha.”
Gia đình ông Trần Anh có 2 tàu cá, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Khi chưa mua được tàu, ông làm tài công cho tàu cá khác. Hàng chục năm bám biển, nên những câu chuyện ông Anh kể về các địa danh như: Đảo chìm có Đá Lồi, Bạch Quy, Chim Yến, Bom Bay... Các đảo, bãi ngầm có Châu Nhai, Quảng Nghĩa…, đặc tính các loài cá và chuyện đánh cá ở Hoàng Sa rất hấp dẫn, lôi cuốn.
Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của tàu cá các tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Nói về việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, các chủ tàu cá cho biết, để đối phó với tàu thuyền nước ngoài, họ đã được huấn luyện thực binh trong diễn tập khu vực phòng thủ.
Quảng Ngãi có 5 huyện, thành phố thuộc khu vực biên giới biển. Nhiều năm qua, các địa phương ven biển của tỉnh thường xuyên chú trọng đưa công tác thực binh, huy động nhân lực, tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền vào nội dung diễn tập khu vực phòng thủ.
Điều này không chỉ giúp ngư dân đối phó có hiệu quả với các tình huống va chạm trên biển do tàu thuyền nước ngoài gây ra, mà còn giúp ngư dân nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Những cuộc thực binh trở thành ngày hội bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại các địa phương.
Ngư dân Trần Cu Anh, thuyền trưởng tàu cá QNg 98282 TS cho biết ông vừa tham gia thực binh năm 2019 của huyện Đức Phổ. “Tôi và anh em ngư dân quanh năm làm ăn ở vùng khơi xa nên xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. Được chính quyền địa phương huy động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, qua thực binh, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm để đối phó với tàu thuyền nước ngoài và an tâm hơn trong những chuyến bám biển khơi xa”- Ông Cu Anh tự hào.
Lao động trên biển, các ngư dân chủ yếu làm việc ban đêm, còn ban ngày ngủ. Theo đặc tính các loài cá, cá biển được đánh bắt vào những đêm không trăng, giữa biển đêm đen đặc. Những đêm trăng tròn, sáng ngư dân phải nghỉ. Ông Trần Anh cho biết, thông thường, mỗi chuyến, một tàu cá đánh bắt ở Hoàng Sa mất 25 ngày. Tàu sẽ khởi hành từ ngày 18, 19 âm lịch lúc trăng muộn, đến ngày 12 âm lịch tháng sau thì về.
Với ngư dân, chuyến đi biển cuối cùng của năm luôn có dư vị khác cùng với những cảm xúc xốn xang. Bà Trần Thị Chung, vợ ông Trần Anh kể, chuyến biển giáp Tết, tàu cá ngoài chở đá lạnh, dầu, lương thực, tôi còn chuẩn bị thêm cho ông ấy và các anh em các loại mứt, bánh kẹo, hạt dưa, trái cây, gà, vịt, đầu heo, thịt lợn, bia, bánh chưng, nhang và ít giấy vàng mã để cúng giao thừa trên biển.
Ngày 18/12 âm lịch, các tàu cá hối hả nhổ neo. Tại các cảng cá, Ban quản lý cảng cùng với BĐBP tuyên truyền vận động ngư dân ra vươn khơi đánh bắt thủy sản thực hiện đúng quy định, không xâm phạm vùng biển nước bạn. Đồng thời thực hiện đầy đủ các thủ tục xuất bến vào bến, ghi nhật ký khai thác để bán cá cho doanh nghiệp được giá cao hơn.
Đón Tết, đón “lộc” biển
Ngày Tết, thông qua hệ thống Icom kết nối, liên lạc giữa của các địa phương, Đồn Biên phòng với tàu cá, chúng tôi có thể trò chuyện với các ngư dân đang đánh bắt ở Hoàng Sa.
Ngư dân ăn Tết trên biển |
Các lão ngư kể, đêm 30, các ngư dân làm đến khoảng 10h rồi nghỉ để làm mâm cơm cúng tất niên. Từ chiều 30 Tết, những tàu cá đánh bắt cùng ngư trường đã liên lạc với nhau qua bộ đàm. Họ hẹn gặp nhau ở tọa độ nhất định, thả neo cho tàu đậu cạnh nhau. Thường thì có 4-5 tàu cùng đón Tết chung. Thuyền viên trên các tàu sẽ tập trung bánh mứt, rượu thịt về một chiếc tàu lớn nhất để cùng nhau đón mừng năm mới.
Sau cuộc vui lúc giao thừa, ngay trong đêm, các tàu lại tỏa ra, đi tìm luồng cá, tiếp tục công việc đánh bắt. Nếu tàu nào trong ngày đầu năm mới mà “trúng” luồng cá lớn là kể như ngư dân đi trên tàu ấy trúng “lộc biển”, điềm báo vui cho cả năm. Thời điểm những ngày cận Tết, trong Tết, các loại hải sản có giá trị cao như cá thu, cá ngừ, cá chim, cá hố… được thị trường ưa chuộng, thương lái mua với giá cao nên ngư dân ai cũng vui vì có một mùa Tết ấm.
Tết của những người lính bám biển
Lực lượng vũ trang đồng hành với ngư dân cả ngày thường và ngày Tết có Hải quân, BĐBP, CSB. Thực hiện nhiệm vụ, những cán bộ, chiến sĩ trên các tàu Hải quân, BĐBP, CSB có nhiều năm ăn Tết và thực hiện cứu hộ cứu nạn trên biển.
Đại úy Bùi Văn Thắng, Chính trị viên tàu CSB 9001 (BTL Vùng CSB3) cho biết, trong những năm đi làm nhiệm vụ dịp Tết, Tết năm 2018 là cái Tết đáng nhớ nhất đối với cán bộ, chiến sĩ trên tàu.12h45 ngày 3/2, tức ngày 18/12 âm lịch, tàu nhận được thông tin đi cứu tàu cá BĐ 95066 TS bị nạn, đang chìm, trên tàu có 12 ngư dân. Vị trí mà tàu BĐ 95066 TS bị nạn cách đảo Phú Quý 30 hải lý về phía Tây Nam.
Trên đường đi, tàu đã nhiều lần liên lạc với tàu cá bị nạn nhưng không liên lạc được. 16h45 ngày 3/2, tàu CSB 9001 đã tìm được tàu cá bị nạn. Tàu đã chìm gần hết, chỉ còn thấy nóc cabin với những ngư dân hoảng loạn đang cầu cứu trong tuyệt vọng. 12 ngư dân được cứu sống giữa những con sóng cao 4-5 mét dồn dập quật vào con tàu khiến tàu CSB không thể tiếp cận tàu cá để tránh va đập.
Còn Thiếu tá Phạm Thế Chính, Thuyền trưởng tàu Hải quân 991 thuộc Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân lại nhớ về vụ cứu nạn tàu hàng Vancouver Tết năm ngoái. Tàu Vancouver có trọng tải 11,5 vạn tấn của hãng APL, quốc tịch Singapore bị cháy khoang số 7 vào ngày 31/1/2019 tức 26 tháng chạp khi cách Đông Nam Hòn Nứa (giáp ranh giữa huyện Vạn Ninh và huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) khoảng 4 hải lý.
Điều khó khăn là container đầu tiên bốc cháy nằm ở dưới sâu nên rất khó xác định để khoanh vùng. Sau khi phun nước làm mát, đám cháy âm ỉ lại bùng lên. Tình huống xấu nhất có thể xảy ra là tàu Vancouver có thể sẽ bị nổ vì lượng hàng hóa trên tàu rất lớn.
Trước tình hình nguy cấp, phía chủ tàu đã đưa 11 chuyên gia chữa cháy quốc tịch Pháp và Hà Lan bay từ Singapore sang Việt Nam. Phía Việt Nam, lực lượng cứu hộ, cứu nạn ngoài tàu Hải quân 991, Quân chủng Hải quân có thêm 3 tàu nữa (TC Dragon, VT-101, Ashico Lam Sơn), tàu CSB 8005, tàu Biên phòng, tàu SAR 2701 và Tàu Tân cảng Dragon, Tàu dịch vụ Tân cảng 66 thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn...
Ngày 30 và mồng 1 Tết Kỷ Hợi, cán bộ, chiến sĩ các tàu vẫn gồng mình triển khai các phương án cứu tàu Vancouver. Sau hơn hai tuần nỗ lực triển khai các biện pháp dập lửa, làm mát, đúng 10 giờ ngày 12/2 (mùng 8 Tết), công tác cứu nạn mới kết thúc.
Với công việc trực chiến trên biển, để đón Tết, các tàu thường chuẩn bị vài con heo còn sống, rồi gà, vịt, 2 cành cây khô để làm cành mai, cành đào; bưởi, kẹo, bánh, mứt, nước ngọt, lá dong, lá chuối... 29 Tết, anh em các tàu tổ chức gói, nấu bánh chưng, ăn Tết vui, đơn giản, tiết kiệm. Còn những người làm việc xuyên Tết như cán bộ, chiến sĩ tàu Hải quân 991 và các lực lượng khác, năm đó họ không có Tết.
Giữa mênh mông trời nước, ngày Tết, những người lính “chia ngọt sẻ bùi” cùng những người bạn biển - ngư dân. Và dù không có Tết thì họ cũng hạnh phúc bởi họ được giao trọng trách thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Xúc động giao thừa giữa trùng khơi
Giao thừa, giữa biển khơi, Thuyền trưởng nối Icom nghe Chủ tịch nước chúc Tết. Thông qua hệ thống máy thông tin trên tàu, lần lượt các thuyền viên gọi về đất liền chúc Tết gia đình, người thân và cả những đồng nghiệp cũng đang đón giao thừa trên biển.
Lẫn trong tiếng sóng, tiếng gió, là tiếng gõ đũa trên nắp xoong nồi của màn văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Một năm mới lại về với những ngư dân quả cảm, cùng khát vọng vươn khơi bám biển, giữ độc lập chủ quyền của Tổ quốc và mang no ấm, thịnh vượng về cho quê hương, gia đình.