Theo người dân, một số đàn bò đã được tiêm vắc xin phòng, chống viêm da nổi cục (PCVDNC), có triệu chứng đi ngoài nhiều ngày, sau đó tuôn ra hàng khối máu đông rồi chết.
Bò vẫn tiếp tục mắc bệnh và chết hàng loạt
Vẻ mặt thất thần, đôi mắt thâm quầng, anh Đinh Sỹ Dũng (SN 1981, thôn Lạc Trường, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) nhiều đêm nay không thể chợp mắt, gần như 24/24h ở tại trại theo dõi tình hình sức khỏe đàn bò sữa. Anh cho hay tiêm vắc xin PCVDNC cho toàn bộ đàn bò 28 con trị giá hơn 1 tỷ đồng từ 26/7. Khoảng 1 tuần sau, nhiều con bò lần lượt ăn ít dần rồi bỏ ăn, sau đó sốt, tiêu chảy.
Chỉ riêng trong ngày hôm qua (8/8), anh đã phải hai lần thuê người chở 2 con bò sữa đang có chửa 5 tháng và 8 tháng đem đi vứt bỏ, con lớn nặng gần 8 tạ, con nhỏ xấp xỉ 4 tạ. “Sáng 1 con, trưa 1 con, nếu cứ thế này chắc gia đình tôi kiệt quệ, khoản vay ngân hàng vẫn còn hơn 300 triệu, tiền đâu… Những con bò khác cũng đang bỏ ăn, tiêu chảy, mỗi ngày thú y cứu chữa chi phí thuốc men hơn 5 triệu đồng”, người đàn ông nói gần như khóc.
Trưa 8/8, xe được thuê tới chuồng, buộc cáp vào chân con bò cái có chửa đã nằm chết dưới sàn, rồi dùng ròng rọc kéo lên thùng xe tải. Người đàn ông ngoảnh mặt đi, mắt đỏ hoe. Anh nói không dám nhìn bởi không chỉ tiếc của, mà những con bò sữa với gia đình anh như là “ân nhân”, mang lại sữa, tạo thu nhập ổn định cho gia đình hơn 20 năm qua và vật nuôi với chủ còn có cả tình cảm.
Một con bò sữa lịm dần rồi chết trước sự chứng kiến của người chủ. (Ảnh: Mai Long) |
Anh Dũng chỉ là một trong những hộ nuôi bò sữa ở thôn Lạc Trường đang sống trong cảnh vừa buồn đau, vừa thấp thỏm, lo âu. Theo ước tính chưa đầy đủ, số lượng bò sữa ở thôn Lạc Trường lên tới cả ngàn con. Đây được xem là “thủ phủ bò sữa” ở Lâm Đồng với hơn 60% hộ dân tự bỏ vốn đầu tư nuôi bò sữa.
Một điều khiến người dân Lạc Trường lo lắng không kém hiện nay, là DN thu mua sữa đã gửi văn bản khuyến cáo nông dân không vắt sữa với bò bị tiêu chảy, nghi nhiễm bệnh. Thực tế khi thu mua sữa, nhà máy sẽ test nhanh, nếu sữa có hàm lượng kháng sinh hoặc không bảo đảm, sẽ trả lại. Người dân lo lắng nếu tình trạng bò vẫn ngã bệnh, vẫn bị chết, nhiều khả năng sữa bò sẽ bế tắc đầu ra, có thể phải đổ bỏ.
Theo ghi nhận của PLVN, tới chiều 8/8, tình trạng bò sữa bị tiêu chảy dẫn tới chết đột ngột vẫn tiếp diễn tại các xã Ka Đô, Tu Tra, Quảng Lập, Đạ Ròn của huyện Đơn Dương và tại xã Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng. Đây đều là những địa phương nuôi bò sữa cung cấp cho các DN sản xuất sữa có tiếng trên cả nước.
3.703 con bị bệnh, 101 con bị chết
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh tạm dừng việc tiêm vắc xin PCVDNC; đồng thời vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng, chống bệnh cho đàn trâu, bò. UBND tỉnh liên tiếp có các văn bản chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương khẩn trương làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết những con bò sữa không tiêm phòng có sức khỏe tốt. |
Ngày 8/8, Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, Đoàn công tác Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cùng Chi cục Thú y vùng V đã có mặt ở Lâm Đồng, phối hợp cơ quan chức năng địa phương đến hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương lấy mẫu sinh phẩm nhằm xác định nguyên nhân hàng chục bò sữa sau tiêm vắc xin PCVDNC bị tiêu chảy và chết.
Cùng ngày, Sở NN&PTNT có báo cáo gửi UBND tỉnh, cho biết: Bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa nuôi tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng xảy ra từ 26/7/2024. Tính đến 9h ngày 8/8/2024 có 3.703 con (bê, bò sữa)/163 hộ/5xã/2 huyện có bò bị bệnh (các xã Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra của huyện Đơn Dương và xã Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng); số bò bị chết là 101 con tại 39 hộ/4 xã (Đức trọng 25 con, Đơn Dương 76 con).
Nhận định nguyên nhân ban đầu, qua kiểm tra lâm sàng ghi nhận bò mắc bệnh tiêu chảy có thể do thời tiết tại huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng mưa nhiều trong suốt mấy tuần, môi trường ẩm ướt, kết hợp sức đề kháng của bò giảm sau khi tiêm vắc xin PCVDNC... đã tạo điều kiện vi sinh vật cơ hội tấn công gây rối loạn đường tiêu hóa.
Chỉ từ sáng đến trưa 8/8, đàn bò nhà anh Dũng đã chết 2 con. |
“Trong thời gian tới, bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trên địa bàn các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng và các địa phương khác. Nguyên nhân chính sẽ được thông báo chính thức sau khi Cục Thú y và các cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra lâm sàng, điều tra dịch tễ, mổ khám, xét nghiệm các mẫu thu thập và kiểm định chất lượng vắc xin”, báo cáo viết.
Dựa vào kinh nghiệm nuôi bò sữa hơn 20 năm nay, ông Đinh Sỹ Tý (bố anh Dũng) cho rằng, hàng năm dịch tiêu chảy vẫn “lướt qua thôn” và đàn bò chỉ lơ ăn vài bữa, sau đó được chữa trị đơn giản như cho uống thuốc đau bụng berberin hay nước lá thuốc là khỏi ngay.
“Bình thường con này bị tiêu chảy rồi mới tới con kia chứ không phải đồng loạt như hiện nay. Tôi cho rằng nguyên nhân liên quan tới vắc xin vừa tiêm bởi 3 chuồng liền kề nhau, 2 chuồng tiêm phòng thì đàn bò bị tiêu chảy; ở trại bò kế bên, số bò vắt sữa không tiêm vẫn khoẻ mạnh, còn những con bê tiêm xong có dấu hiệu bỏ ăn”, ông Đinh Sỹ Tý nói.
Cũng tại thôn Lạc Trường, ông Nguyễn Đình Lâm (SN 1958) đứng lặng người nhìn con bò sữa khoảng 3 tạ nằm chảy dãi, đi phân lỏng, liên tục đập chân xuống sàn rồi lịm dần trước nước mắt người nông dân. Ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi 21 con bò sữa, ngày 27/7 tiêm vắc xin PCVDNC cho 19 con, sau 1 tuần những con bị tiêm bỏ ăn, tiêu chảy, đi ngoài ra máu cục…
Hộ bà Đào Thị Tình (SN 1963) nuôi 24 con bò, ngày 25/5 tiêm vắc xin PCVDNC cho 19 con, đến ngày 3/8 thì đàn bò có biểu hiện bỏ ăn, tiêu chảy nặng. Chiều 7/8, một con đã chết, hiện 2 con khác đang tiêu chảy dữ dội. “Những con không tiêm vắc xin PCVDNC vẫn khoẻ mạnh”, bà nói.
Hộ bà Nguyễn Thị Hòa (SN 1963) nuôi 17 con, nhưng bà chỉ chích vắc xin PCVDNC với 5 con bê: “Những con không chích vắc xin vẫn khỏe mạnh, cho sữa đều đặn; còn 5 con bê chích vắc xin PCVDNC đã bỏ ăn 5 ngày nay”.