Bốn chữ F, J, W, Z rất thông dụng trong tiếng Việt nhưng lại không có trong bảng chữ cái khiến việc sử dụng chúng trở thành “bất hợp pháp”
Bảng chữ cái tiếng Việt theo mẫu tự Latin đã có hiệu lực gần như tối ưu với 29 chữ cái, không có 4 chữ: F, J, W và Z. Tuy nhiên, thực tiễn của thời kỳ hội nhập quốc tế dựa trên nền văn minh thông tin hiện đại, người Việt Nam đang sử dụng rất nhiều cả 4 chữ cái này cho nên cần phải có một sự điều chỉnh, bổ sung để bảng chữ cái được hoàn thiện hơn. Xuất hiện từ lâu trong nhà trường Chữ F đã hiện diện trong nhà trường từ rất lâu, với lực F, thang nhiệt độ F, với nguyên tố hóa học Flo hay ký hiệu Fe của sắt... Trong quan hệ quốc tế, dân ta đã rất quen với tên các tổ chức được viết tắt theo tiếng Anh như UNICEF, FAO, IMF... Về thể thao thì là FIFA, UEFC, AFC, FIBA, FIDE... và cả VFF. Trong văn hóa và nghệ thuật, từ “phim” Việt hóa đang dần dần được thay thế bằng từ “film” chính gốc châu Âu; do vậy, Hãng phim TPHCM còn được gọi là TFS.
|
Học sinh đang học tiếng Việt với bảng chữ cái 29 chữ. Ảnh: TẤN THẠNH |
Những từ như Fafilm, Fahasa... đều dần trở nên quen thuộc, còn Festival thì được sử dụng rất nhiều. Chúng ta cũng đã quá quen với tần số phát thanh FM, máy fax, đèn flash, cafe hay bánh flan...
Xuất hiện trong nhiều lĩnh vực
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, các loại súng phản lực do Việt Nam tự chế tạo được đặt tên là DKZ và SKZ. Các xí nghiệp quốc phòng hiện nay cũng được đặt tên bằng chữ Z (Xí nghiệp Z751, Z755, Z25...); chữ Z cũng xuất hiện trong các từ sau: dzậy, dzũa, dzui dzẻ, Dzoãn, Dzếnh, Dzũng... |
Chữ J cũng được dùng từ lâu trong nhà trường với thời đại cổ sinh học kỷ Jura, định luật Jun-Lenxơ... Những từ jazz, jeans, judo, jive, jambon, jacket... đã đi vào tiếng Việt một cách tự nhiên. Chữ W cũng được người Việt làm quen từ trong nhà trường với ký hiệu về công suất điện, với nguyên tố hóa học Wonfram... Trong xã hội, nó thường xuyên xuất hiện với những tên viết tắt của các tổ chức quốc tế như WB, WTO, WHO... Dân ta cũng đã quen với chữ viết tắt WC ở những nơi công cộng. Nhưng chữ W xuất hiện với tần suất dày đặc nhất là khi người ta truy cập thông tin trên mạng internet, do mọi website đều gắn liền với chùm ký tự www. Vì không có trong bảng chữ cái tiếng Việt nhưng lại được dùng rất nhiều nên chữ W đã được đọc bằng nhiều tên khác nhau, khi thì vê kép, lúc lại là vê đúp, lại có khi là đúp-lơ-vê, đấp-bân-vi hoặc đấp-liu... Chữ Z cũng được dùng không phải ít. Ở nhà trường, bộ ba x-y-z thường đi với nhau trong những bài toán tìm ẩn số; các đơn vị KHz, MHz hay ký hiệu Zn luôn xuất hiện trong các bài học về lý, hóa. Tiếp đó là một loạt thuật ngữ hóa học đã được Việt hóa, như: bazơ, saccarozơ, glucozơ, benzene...Bổ sung là tất yếu Mặc cho bảng chữ cái tiếng Việt tận cùng bằng Y, khi khẳng định một việc cần làm từ đầu đến cuối, người Việt luôn nói: “Từ A đến Z”! Nếu kể cả các thuật ngữ khoa học chuyên sâu, các thương hiệu, địa danh và tên người nước ngoài... thì các trường hợp cần dùng 4 chữ F, J, W và Z nhiều vô số kể. Như vậy, 4 chữ nói trên đã trở thành thông dụng trong tiếng Việt nhưng lại không có trong bảng chữ cái, khiến cho việc sử dụng chúng trở thành “bất hợp pháp” vì là những chữ “ngoài luồng”. Đây rõ ràng là một bất cập của bảng chữ cái hiện hành. Việc bổ sung 4 chữ này vào bảng chữ cái không chỉ sẽ giải quyết được vấn đề đã nêu mà nhờ đó tầm phổ quát của bảng chữ cái sẽ được mở rộng đầy đủ, đáp ứng được sự phát triển của tiếng Việt hiện đại.
Tiến sĩ Lê Vinh Quốc (Nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Người Lao động
Người Lao động