Bộ Công an cho biết, Pháp lệnh CSCĐ sau 07 năm triển khai thực hiện đã đạt những kết quả tích cực, lực lượng CSCĐ đã được đầu tư xây dựng và trưởng thành, phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, lực lượng CSCĐ đã triển khai thực hiện các phương án tác chiến trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức… được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới. Theo đó, CSCĐ là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang, vì vậy nhiều hoạt động của CSCĐ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: Huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản phục vụ hoạt động của CSCĐ; yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ nhưng mới được quy định ở Pháp lệnh và các văn bản dưới luật.
Do đó, cần thiết phải luật hóa các quy định này để bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 cũng như tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ cho CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, một số quy định tại các luật chuyên ngành có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho CSCĐ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, như: Chưa xác định CSCĐ là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; chưa quy định cụ thể thẩm quyền quyết định sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khi ra quân thực hiện nhiệm vụ theo đội hình chiến đấu…
Để đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật CSCĐ đã bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ. Cụ thể, bổ sung nhiệm vụ: Tham gia phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của CSCĐ;
CSCĐ cũng được bổ sung thêm quyền hạn: Được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan. Đồng thời, được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Dự thảo cũng quy định rõ hơn về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với CSCĐ, đặc biệt là thẩm quyền ra mệnh lệnh sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khi thi hành nhiệm vụ có tổ chức là do người chỉ huy trực tiếp phương án tác chiến quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ cụ thể gồm: Quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với CSCĐ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với CSCĐ; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với CSCĐ.