Bộ Tài Chính: Đã tính trước các chiêu trò lách trần giá sữa của doanh nghiệp

(PLO) -Tại cuộc họp báo chiều ngày 27/5, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Bộ Tài chính đã tính đến nhiều chiêu trò của doanh nghiệp khi quy định áp trần giá sữa có hiệu lực.
Giá sữa sẽ chính thức được áp trần từ 1/6
Ông Nghĩa cho biết, ngay sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan quản lý Bộ Tài Chính đã phát hiện một số chiêu lách luật của doanh nghiệp như thay đổi mẫu mã, trọng lượng sản phẩm. Chính vì vậy, khi ra văn bản hướng dẫn việc áp trần giá sữa, Bộ Tài chính đã tính toán đến việc làm sao để hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp vì lợi nhuận bất chấp lách luật. 
Theo quy định mới, các mặt hàng bị áp giá trần mà thay đổi trọng lượng thì phải tính lại giá theo trọng lượng mới, không được tự ý tính giá kiểu mới. Trường hợp các doanh nghiệp ra các nhãn hàng mới, đóng gói mới phải được sự chấp nhận của các cơ quan có thẩm quyền và được tính giá mới theo giá bán buôn tối đa.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, đối với doanh nghiệp có sản phẩm không thuộc danh mục 25 mặt hàng sữa, các đơn vị phải tự lựa chọn sản phẩm chuẩn có tương quan về trọng lượng, quy cách đóng gói, thông tin chất lượng gần nhất với sản phẩm đó.
Giá bản lẻ tối đa đến người tiêu dùng được xác định bằng giá bán buôn tối đá của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cộng các chi phí hợp lý khác có liên quan nhưng tối đa không quá 15% trần bán buôn. Trong đó, ông Nghĩa nhấn mạnh, tỷ lệ 15% là dành cho trường hợp lưu thông tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất. Theo đó, những trường hợp có nhiều khâu phân phối, giá bán lẻ tối đa cũng chỉ được xác định cao hơn không quá 15% so với giá bán buôn tối đa.
Quyết định áp trần 25 sản phẩm sữa được Bộ Tài Chính đưa ra từ trước đó và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây, thực hiện khâu bán buôn là 11/6 và áp trần bán lẻ vào ngày 21/6

Đọc thêm