"Bó tay" với quán xá trước cổng trường

Đến hẹn lại lên, sau kỳ nghỉ hè, hàng quán, hàng rong lại mọc ồ ạt trước cổng trường học. Dù biết nhiều hàng không đảm bảo vệ sinh, gây mất mỹ quan nhưng nhà trường chỉ biết… thở dài.
Đến hẹn lại lên, sau kỳ nghỉ hè, hàng quán, hàng rong lại mọc ồ ạt trước cổng trường học. Dù biết nhiều hàng không đảm bảo vệ sinh, gây mất mỹ quan nhưng nhà trường chỉ biết… thở dài. Sau giờ tan học, trước cổng trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội), người ta lại thấy cảnh lộn xộn ăn, uống của học sinh (HS). Người bán hàng rong đứng đầy cổng trường. Nhiều tốp HS ríu rít mua và ăn ô mai, kem…, những thứ hàng không biết có an toàn thực phẩm hay không?Hàng rong bao vây trường học Một người dân cạnh trường THCS Nguyễn Công Trứ cho biết hàng rong cùng nhiều quán mới mọc ồ ạt gần đây để phục vụ học sinh. Các hàng quán này khá nhếch nhác, đồ ăn không đảm bảo chất lượng. Nhiều HS trường THCS Nguyễn Công Trứ cho biết: ăn những đồ ăn này quen rồi, hơn nữa lại rẻ, chỉ cần 2.000 đồng là có một cốc kem chanh (chủ yếu là đá và phẩm màu  - PV). Khi hỏi món kem chanh có sạch, xuất xứ từ đâu thì các em lắc đầu không biết. Tương tự, trước cổng THCS Chu Văn An (Hà Nội), các món kem, nem chua  từ hàng rong được nhiều HS đón nhận một cách hứng khởi, chỉ khi thấy bóng dáng bố mẹ đến đón các em mới vội vàng tách khỏi hàng rong.
Học sinh nhốn nháo ăn quà trước cổng THCS Đống Đa, Hà Nội.  (Ảnh: Kim Anh)
Chiều nào cũng vậy, cứ khoảng 13h thì có hàng chục hàng bán rong đến đứng trước cổng trường THCS Xuân La (Hà Nội). Những người bán hàng này không còn xa lạ gì với HS ở đây, nhiều người còn sẵn sàng cho các em mua… thiếu. Có mặt tại cổng Tiểu học Trần Khánh Dư (quận 1, TP HCM) vào giờ tan học ngày 27/9, chúng tôi thấy rất đông HS vây quanh các xe hàng rong. Nước uống, bánh tráng trộn là hai món được lựa chọn nhiều nhất. Người bán hàng tên Ngà (quê Quảng Ngãi), một tay đá bi cho vào ly nhựa, một tay cầm chai nước ngọt loại 1,5 lít rót ra thứ nước trắng đục gọi là sữa đậu nành rồi bán cho HS với giá 2.000 đồng một ly. Mua thử một ly uống, chỉ thấy vị hơi ngọt, còn mùi vị đặc trưng của sữa đậu nành thì không có.
Đầu năm 2010, có 161 người ở tỉnh Bình Thuận phải nhập viện do ăn bánh mì mua từ quán vỉa hè, trong đó đa phần là HS. Mới đây gần 100 SV trường ĐH Khoa học Tự  nhiên (TP.HCM) phải nhập viên vì bị nôn ói, đau bụng do ăn hủ tiêu kém chất lượng. Kỳ thi ĐH, CĐ vừa qua có khá nhiều thí sinh bị ngộ độc thực phẩm cũng do ăn tại các hàng quán quanh trường. Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy 6 tháng đầu năm 2010 trên địa bàn có 8 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 vụ xảy ra ở trường học với 87 trường hợp ngộ độc.
Ngoài sữa đậu nành, trên xe còn bán đủ loại nước ngọt khác như: nước sâm, cam ép, chanh dây… với đủ màu sắc và cũng có giá chỉ 2.000 đồng một ly. Một bác xe ôm trước cổng trường, mách nhỏ: Nước trong bình đều được pha chế bằng nước thường, đường và phẩm màu và chút hương vị mua từ chợ Kim Biên. Nếu uống mà để ý kỹ sẽ nhận ra mùi tanh tanh của nước (do nguồn nước khu vực quận 1 bị ảnh hưởng bởi kênh Thị Nghè nên có mùi tanh - PV), chỉ tội cho lũ nhỏ, không biết nên mua uống vô tư. Tương tự, tại nhiều trường học ở  TP HCM như: Hoàng Văn Thụ, Hồng Bàng, Phan Văn Trị…, cũng xuất hiện nhiều người bán hàng rong. Nhiều mặt hàng nước giải khát (loại chai nhựa 1,5 lít) mang nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng được bày biện trên xe đẩy với đủ màu sắc. Thế nhưng, chất lượng nước bán có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không thì chẳng ai dám nói. Tình trạng quán xá lem nhem trước cổng trường ĐH cũng không hiếm. Dạo quanh khu vực trường ĐH Ngoại Thương, Học viện Ngoại giao (Hà Nội), các quán nước mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ cần vài cái ghế nhựa là sinh viên có thể ung dung ngồi thưởng thức trà đá, bánh mì, bánh giò, bánh trưng… Dọc trường CĐ Y tế Hà Nội có đến 3 - 4 quán ăn, hàng nước hoạt động, còn phía đối diện cổng trường thì có đến vài chục quán xá. Cứ đầu giờ là các quán nước và hàng ăn hoạt động tấp nập, sinh viên kéo ra uống trà đá, tán gẫu. Đi qua đoạn đường này phải chú ý lắm mới có thể nhìn thấy trường đặc biệt là vào các giờ cao điểm.Nhà trường bất lực Dù rất muốn dẹp quán xá để tạo cảnh quan, nhưng các trường phải ngậm ngùi bó tay. Ông Trịnh Sỹ Hiệp, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội), cho biết người bán hàng rong quá cơ động, chỉ có lực lượng công an và dân phòng mới mong dẹp được. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó hiệu trưởng trường CĐ Y tế Hà Nội, cho rằng việc dẹp quán xá không đơn giản. Dẹp hàng quán cạnh cổng trường là nhiệm vụ của công an phường, thế nhưng dù trường đã nhờ chính quyền giúp nhưng cũng không giải quyết được triệt để. Còn theo bà Trần Vân Hạnh, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ, vào giờ cao điểm là công an phường cùng bảo vệ trường phối hợp giải tỏa ách tắc trước cổng trường. Vì thế, xung quanh cổng trường các hàng quán cũng hạn chế. Thế nhưng phía đối diện là nhà dân, họ mở quán nước để mưu sinh nên trường không thể cấm được. “Trước đây có đội cờ đỏ của thanh niên tham gia giữ gìn an ninh trật tự, nhưng cũng không có kết quả, khi nhắc nhở sinh viên không lê la ở quán cóc có thể nhận được câu trả lời: tôi không phải sinh viên trường này”, ông Nguyễn Đình Thao, Phó giám đốc Học viện Ngoại giao (quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết. Xem ra khi chính quyền địa phương chưa quyết liệt và thiếu những chế tài cụ thể thì chuyện lộn xộn, mất mỹ quan học đường do quán xá gây ra còn lâu mới giải quyết được.
“Để loại bỏ quán cóc trước cổng trường phải giải quyết vấn đề một cách tổng thể. Trách nhiệm của  phường và công an ra sao, quy định với người bán hàng như thế nào?. Nên đưa ra chính sách, hay một quy luật chung cho thành phố về quản lý vỉa hè quanh trường học để lập lại trật tự kỉ cương. Ngoài việc đầu tư căng-tin, các trường có thể liên kết với các đơn vị khác mở thêm các địa điểm ăn uống để phục vụ SV”. Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
Theo Tuyết Nga-Quốc Hải
Đất Việt

Đọc thêm