Hành… khách
|
|||
“Xe dù” nằm ì tại cây xăng để bắt khách. |
Tình trạng “xe dù” phức tạp và nguy hiểm luôn rình rập đối với hành khách đã lỡ bước chân lên loại xe này. Trong vai hành khách đi xe, mới thấy khốn khổ và bực mình cũng như khiếp sợ của loại “xe dù”.
Đón xe tại khu vực trước Bến xe Trung tâm Đà Nẵng để đi Huế, khi tôi lên xe, khoảng một nửa số ghế đã có người, xe lăn bánh khá chậm, và càng chậm hơn khi đến đoạn thuộc khu vực các Trường Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nhiều hành khách bên đường được mời chào và “kéo” lên xe. Đến gần KCN Hòa Khánh, số ghế trên xe cũng đã kín, song để “kiếm” thêm khách, xe dừng hẳn tại cây xăng ở gần cổng KCN Hòa Khánh.
5 phút, 10 phút trôi qua, một số hành khách ngồi trên xe tỏ ra bực mình vì đợi lâu mà xe chưa khởi hành. Bên ngoài, các phụ xe vẫn tiếp tục bắt khách inh ỏi: “Lên xe anh, chị ơi! Xe chạy luôn rồi”. Có một số hành khách vì quá bức xúc đòi xuống đi xe khác nhưng cửa xe lại đóng chặt với lời giải thích của lái xe: “Đi ngay mà”. Nhưng rồi phải đến 5-10 phút sau, xe mới lăn bánh nhưng không phải đi tiếp mà… quay ngược lại về phía Bến xe Trung tâm với nhiều lý do khác nhau như đón người quen, lấy đồ người quen gửi... Cực chẳng đã, nhiều người mặc dù đã trả tiền xe song phải ngậm ngùi xuống xe, tìm xe khác đi cho kịp công việc…
“Bó tay”?
|
|||
Lơ xe đứng giữa đường lôi kéo khách. |
Khu vực trước Bến xe Trung tâm thành phố từ lâu đã trở thành bến xe tự phát. Theo ghi nhận của chúng tôi, hằng ngày, tại đây có tới hàng trăm lượt xe tự ý dừng đỗ, từng tốp, từng tốp khách lên, xuống xe; thậm chí có những xe còn “nằm” lại đó để chờ khách, gây cản trở và mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Bà H.T.L - một người dân sống gần khu vực này cho hay: Sở dĩ tình trạng “xe dù, bến cóc” tồn tại được là do lỗi một phần thuộc về hành khách. Nếu hành khách vào trong bến mua vé, đồng thời các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát, có lẽ “xe dù, bến cóc” sẽ không tồn tại. Hôm nào công an “cắm chốt” ở đây thì ít thấy “xe dù” xuất hiện, thế nhưng khi lực lượng chức năng vắng bóng, tình trạng trên lại tái diễn.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, xe đăng ký tuyến thường có tên, biển tuyến được dán cố định ở phía trước xe hoặc phía trên cùng của kính lái và sau xe. Còn “xe dù” cũng có biển tên ở phía trước và sau xe, chỉ khác là những biển đó chỉ cài sau kính xe để có thể thay đổi linh hoạt khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Với những chiêu đó, rất nhiều hành khách đã bị lừa hoặc bị nhà xe “bán” sang xe khác. Và có lẽ, “xe dù” đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hành khách.
Bài và ảnh: Trọng Hùng