Ngay khi Bộ GD-ĐT đưa ra vấn đề bỏ môn thi ngoại ngữ bắt buộc trong kỳ thi THPT 2010, rất nhiều ý kiến của các nhà giáo phản bác đề xuất trên
“Trong những năm gần đây, ngoại ngữ được xem là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc cùng với văn và toán thì không có lý do gì nay Bộ GD-ĐT lại quy định ngoại ngữ không là môn thi bắt buộc”. Ông Võ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM, nêu ý kiến. Ông Dũng nhấn mạnh chủ trương này là bước lùi trong giáo dục.
Một giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Ảnh: T.Thạnh |
Theo ông Dũng, ở các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia... môn ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, đã được phổ cập từ rất lâu, điều này sẽ thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế. Trong khi chủ trương của bộ không coi trọng môn ngoại ngữ thì việc học môn này trong nhà trường sẽ bị học sinh buông lơi, từ đó, học sinh sẽ kém về môn ngoại ngữ, về lâu dài việc hội nhập của Việt Nam sẽ không như mong muốn vì công dân không đủ năng lực ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh.
Ông Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, nêu thực tế hằng năm Trường ĐH Vinh đều kiểm tra trình độ sinh viên trúng tuyển nhưng chỉ có 30% có khả năng theo học được chương trình, 70% phải học thêm ngoại ngữ hoặc đào tạo lại mới theo kịp chương trình đào tạo ngoại ngữ của trường. Trình độ ngoại ngữ của học sinh đã thấp như vậy, nếu bỏ thi môn ngoại ngữ, theo ông Hợi, chất lượng môn học này sẽ càng giảm xuống.[links(left)]
TS Nguyễn Ngọc Tuân, Trưởng Phòng Sau ĐH Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cũng chia sẻ: Rào cản lớn trong đào tạo sau ĐH trong nước và tuyển đi nước ngoài là ngoại ngữ. Giải pháp duy nhất là mỗi học sinh phải đầu tư việc học ngoại ngữ cho chính mình ngay từ bậc phổ thông, không có con đường nào khác...
Chưa đánh trống đã bỏ dùi
Lý giải nguyên nhân việc dự kiến bỏ môn thi ngoại ngữ bắt buộc trong kỳ thi THPT năm 2010, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng khi triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân thì đội ngũ giáo viên cũng như chương trình đào tạo sẽ có chất lượng cao hơn nên không cần phải bắt buộc thi môn ngoại ngữ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt ngày 30-9-2008), gặp phải khó khăn lớn nhất là về giáo viên.
Theo PGS-TS Nguyễn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người chắp bút cho đề án trên, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ hiện rất thiếu lại yếu do chưa được đào tạo bài bản. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng số giáo viên tiếng Anh bậc phổ thông hiện nay chỉ có 60.000 người, nếu tiến hành thí điểm dạy ngoại ngữ cho khoảng 20% học sinh lớp 3 trên toàn quốc sẽ phải cần thêm khoảng 2.000 giáo viên vào năm 2010. Trong khi đó, theo tính toán của ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, cả nước chỉ có khoảng 6.000 giáo viên tiếng Anh tiểu học, mỗi năm chỉ có khoảng 300-500 giáo viên tiếng Anh tiểu học tốt nghiệp nên để có được con số vài ngàn người, cần phải mất nhiều thời gian. Như vậy, việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ dù đến cận kề nhưng vẫn ở trong giai đoạn chuẩn bị, chưa đi vào thực tế mà đã vội vàng bỏ thi môn ngoại ngữ.
Ngoại ngữ là công cụ rất quan trọng cho học sinh, sinh viên. Trong ảnh: Giờ học ngoại ngữ ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Ảnh: T.Thạnh |
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, điều kiện dạy và học ngoại ngữ tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên được đào tạo nhanh nhưng chưa bảo đảm được chất lượng chương trình do đó môn học này không nên bắt buộc phải thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo ông Võ Anh Dũng, môn ngoại ngữ từ lâu đã được xác định là môn học chính thì bộ phải có trách nhiệm đào tạo giáo viên đủ cho môn học này, lý do bỏ môn thi này vì thiếu giáo viên là chưa thuyết phục. Theo đề án dạy và học ngoại ngữ của bộ, học sinh lớp 3 bắt đầu học ngoại ngữ mà kỳ thi lại không bắt buộc thì việc học từ lớp 3 không có ý nghĩa gì. Hiện nay, việc đánh giá hiệu trưởng, giáo viên đều phải có ngoại ngữ thì việc không coi trọng môn ngoại ngữ là điều không ổn.
PGS-TS Đỗ Huy Thịnh, Chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TPHCM: Tiếng Anh là môn thi bắt buộc ở nhiều nước Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, là môn thi bắt buộc ở nhiều nước, nhất là các nước trong khu vực. Ngay nhiều nước dù có hoàn cảnh lịch sử thuận lợi về sử dụng tiếng Anh như Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei..., cũng phải điều chỉnh lại các chính sách theo hướng đẩy mạnh việc học tập, sử dụng và thi cử tiếng Anh. Với chương trình học còn nặng nề như hiện nay, học sinh thường chỉ tập trung vào các môn phải thi, nên nếu không quy định là môn thi bắt buộc có thể dẫn đến việc lơ là học ngoại ngữ. Dù còn nhiều điều cần làm để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ và điều kiện học tập có thể cũng khác nhau giữa các vùng miền nên hướng đến việc giúp các địa phương còn khó khăn phấn đấu theo kịp các chuẩn chung trong nước để dần tiến tới hội nhập quốc tế thực sự. Ngoại ngữ cũng chính là công cụ quan trọng để xây dựng ý thức học tập suốt đời và xã hội học tập. *** Bà Hoàng Thị Hồng Hải, Nguyên trưởng phòng GD-ĐT Quận Tân Phú – TPHCM: Phải coi lại khâu quản lý Khi bộ dự kiến chỉ có 2 môn bắt buộc là văn và toán, theo tôi hiểu, chủ trương này nhằm bảo đảm sự đồng đều giữa các vùng miền, bởi ở những địa phương khó khăn sẽ rất khó khăn trong việc dạy và học ngoại ngữ. Nếu quả thật là như vậy thì không thuyết phục mà ở đây bộ phải coi lại khâu quản lý và tổ chức. Ở Việt Nam hiện nay, trình độ ngoại ngữ của học sinh nhìn chung là rất yếu, ngay cả những người có học hàm, học vị cao cũng vậy. Vì vậy, tôi cho rằng việc không quy định môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT là chưa hợp lý. Nếu không phải là môn thi bắt buộc thì học sinh không có sự chuẩn bị tốt cho môn học này. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là hội nhập mà không coi trọng môn ngoại ngữ thì quả là bất cập. Thay đổi và đổi mới là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau nhưng tôi thấy rằng những thay đổi của bộ mỗi năm làm cho giáo viên vô cùng mệt mỏi. |
Theo NLĐ