Bộ trưởng Bộ Công thương “bắt bệnh” hàng lậu

(PLO) - Trước những bức xúc của xã hội về hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng có rất nhiều nguyên nhân gây nên "căn bệnh" trầm kha này.
Bộ trưởng nhận định: Mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng nhưng hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, từ đó thẩm lậu vào thị trường nội địa nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Tình trạng này tồn tại do nước ta có đường biên giới trên bộ rất dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới, lực lượng chức năng mỏng, khó khăn trong việc kiểm tra kiểm soát. 
Giá cả hàng hóa giữa Việt Nam và các nước láng giềng có sự chênh lệch. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy có bước phát triển nhưng nhiều chủng loại, phân khúc hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại. 
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm là một trong những yếu tố quan trọng khiến dân cư khu vực biên giới tham gia vận chuyển hàng lậu, phần lớn họ đều nghèo và thiếu phương kế mưu sinh.
Trong khi đó, nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu tuy đã nâng lên song có lúc, có nơi chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương nên việc chỉ đạo thực hiện ở mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành có khác nhau. 
Một nguyên nhân quan trọng khác là hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể. Một số văn bản pháp luật chưa được thay đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung chưa được quan tâm đúng mức. 
Nhận thức của một số thương nhân và người tiêu dùng trên địa bàn về các quy định của pháp luật khi tham gia hoạt động thương mại còn hạn chế. Các lực lượng chức năng không có kinh phí để tổ chức tuyên truyền pháp luật thường xuyên đến các thương  nhân và người tiêu dùng trên địa bàn.
Ngoài ra, lực lượng kiểm tra kiểm soát còn mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tinh vi và sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại mà năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm tra, kiểm soát ở nhiều đơn vị còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, chưa được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế để đối phó với phương thức thủ đoạn và phương tiện hoạt động của các đối tượng vi phạm. 
Hiện nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ “Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại” từ nay đến năm 2020. Sau khi Thủ tướng Chính phủ thông qua, Chương trình này sẽ là cơ sở quan trọng để các lực lượng triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác chống buôn lậu; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách không để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.

Đọc thêm