Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói về cách giúp người dân tránh phạm luật

Nhiều người dân vì thiếu thông tin về pháp luật nên vô tình có thể trở thành người vi phạm. Làm thế nào để nâng cao thức chấp hành pháp luật cho người dân?. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường mới trả lời Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” về vấn đề này.

Nhiều người dân vì thiếu thông tin về pháp luật nên vô tình có thể trở thành người vi phạm. Làm thế nào để nâng cao thức chấp hành pháp luật cho người dân?. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường mới trả lời Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”.

Phổ biến, giáo dục pháp luật còn bị xem nhẹ

- Thưa Bộ trưởng, trên thực tế có không ít người dân bị thiếu thông tin về pháp luật nên khi vô tình trở thành người vi phạm thì cảm thấy oan uổng, bất bình. Đơn cử như quy định phạt xe không chính chủ. Trước đó nhiều người cũng có nghe nói về quy định mới, nhưng không rõ bao giờ áp dụng, chế tài thế nào, cho đến khi trở thành “người vi phạm pháp luật” thì cảm thấy bị oan uổng. Bộ trưởng nghĩ thế nào về vấn đề này?

 - Tôi chia sẻ với nhận định về tình trạng một bộ phận người dân thiếu thông tin về pháp luật, không chỉ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở thành thị, thậm chí ở thủ đô.

Ví dụ quy định xử phạt chủ phương tiện là xe mô tô, ô tô... “không chuyển quyền sở hữu” theo quy định trong Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tôi xin đính chính lại là không phải xử phạt xe không chính chủ như báo chí nêu mà là xử phạt “không chuyển quyền sở hữu” đối với mô tô và ô tô.

Vào ngày Nghị định số 71/2012/NĐ-CP có hiệu lực, bản thân tôi nhận được khá nhiều điện thoại của người dân, thậm chí của một vị Đại biểu Quốc hội Hà Nội thể hiện sự bất ngờ, thậm chí không đồng tình đối với quy định này do trước đó họ chưa hề được biết, được thông tin, phổ biến nội dung quy định xử phạt này.

Tuy nhiên, tôi cũng phải thông tin thêm rằng, quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu đối với chủ phương tiện không phải là mới mà đã được quy định tại Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và đã được thi hành 2 năm. Có điều, theo quy định của Nghị định cũ, mức xử phạt khá thấp, đối với mô tô là từ 100.000 đến 200.000, ô tô là từ 1.000.0000 đến 2.000.000 nên người dân không chú ý. Đến Nghị định mới thì mức phạt được đưa lên gấp 5-8 lần, cụ thể đối với mô tô là từ 800.000 đến 1.200.000 , đối với ô tô là từ 6.000.000 đến 10.000.000 thì mọi người mới giật mình tưởng là quy định lần đầu. Mà giật mình cũng phải, ở chỗ 800.000 đến 1.200.000 là rất lớn đối với hộ gia đình nghèo!

Trong trường hợp này, xét về khía cạnh tính hợp lý của quy định pháp luật thì cũng còn vấn đề này khác, Thủ tướng đã chỉ đạo xem xét lại trong dự thảo Nghị định mới, nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác phổ biến, tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với quy định mới này của pháp luật trước khi có hiệu lực rõ ràng là chưa tốt.

Để làm rõ hơn vấn đề này, tôi lấy một ví dụ khác, cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ. Năm 2007, chúng ta bắt đầu quy định lại về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô. Để quy định này đi vào cuộc sống thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một chiến dịch trong một thời gian khá dài để phổ biến, quán triệt cho nhân dân về những tác dụng tích cực của việc đội mũ bảo hiểm, cũng đã dành thời gian để nhắc nhở người dân tự nguyện thực hiện việc đội mũ bảo hiểm trước khi áp dụng việc xử phạt, qua đó từng bước đã hình thành ý thức chung, thái độ ứng xử chung của người tham gia giao thông. Và kết quả như chúng ta biết, hiện nay, đại đa số người dân đã tự giác thực hiện quy định này vì chính lợi ích và sự an toàn của bản thân và gia đình mình.

Như vậy, có thể thấy rằng để pháp luật đi vào cuộc sống, có được sự tự giác chấp hành của nhân dân thì việc phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), làm cho dân biết, hiểu về quy định của pháp luật trước khi nó chính thức được thi hành là rất quan trọng. Nếu tạo điều kiện cho người dân biết và tham gia ngay từ trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật thì còn tốt hơn.  

Cũng phải nói thêm rằng từ trước đến nay, chúng ta đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng chính sách của Đảng, từ đó thể chế hóa thành pháp luật;  mất rất nhiều công sức. Nhưng đầu tư cho PBGDPL, tổ chức việc thi hành pháp luật thì còn bị xem nhẹ. Giờ thì đã có sự chuyển hướng lớn sang thực thi pháp luật.  

Người dân cũng cần chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật

- Thông tin pháp luật là rất quan trọng; quyền được thông tin về pháp luật và Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật đã được Luật phổ biến, giáo dục pháp luật ghi nhận. Nhưng điều người dân băn khoăn là với vai trò là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng sẽ làm gì để Luật này được triển khai hiệu quả trên thực tế, để công tác PBGDPL đi vào thực chất?

- Luật PBGDPL đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Tôi phải nói thêm rằng, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có Luật về PBGDPL. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác PBGDPL, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, ý thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

 Luật quy định rõ công dân có quyền được thông tin về pháp luật, Nhà nước và cả hệ thống chính trị ở nước ta có trách nhiệm phải bảo đảm, tạo điều kiện cho người dân thực hiện được quyền này. Tôi nhắc lại là, cả hệ thống chính trị ở nước ta, đặt biệt là Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp và Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp triển khai thi hành Luật, có thể kể đến là:

Thứ nhất, về hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về thành phần, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang hoàn thiện, chuẩn bị ban hành các Thông tư, Thông tư liên tịch liên quan;

Thứ hai, về kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ trung ương đến cấp huyện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng phối hợp PBGDPL TƯ. Hội đồng này đã họp phiên thứ nhất vào cuối tháng 7 vừa qua, cũng đã cho ý kiến về việc hướng dẫn việc kiện toàn Hội đồng cấp tỉnh và cấp huyện trong những tháng tới.

Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 07 Đề án trọng tâm về PBGDPL giai đoạn 2013-2016, cụ thể là: (1) Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn ; (2) Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; (3) Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; (4) Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; (5) Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam; (6) Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Tiếng nói Việt Nam; (7) Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý.

 Thứ tư, để tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng một cách đầy đủ cho công tác PBGDPL được triển khai trên diện rộng, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính có Công văn hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2014.

Thứ năm, Bộ Tư pháp định kỳ hàng tháng đã ra thông cáo báo chí về các văn bản pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; cách đây 2 hôm đã họp trực tuyến với Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW để chỉ đạo tiếp tục triển khai thi hành Luật;

Cuối cùng, thực hiện quy định tại Điều 8 của Luật, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng Hướng dẫn việc tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên vào ngày 9/11/2013 tới đây.  

Từ nay đến cuối năm, còn rất nhiều công việc Bộ Tư pháp phải thực hiện để Luật thực sự đi vào cuộc sống.

Tôi cũng xin nói thêm rằng, mặc dù Luật PBGDPL quy định Nhà nước phải bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật. Tuy nhiên, Luật cũng quy định người dân cũng cần chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật để nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật của mình, các thành viên trong gia đình, nhất là ông, bà, cha, mẹ có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện cho con, cháu rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật.

Sẽ có Lễ mít tinh quốc gia nhân Ngày pháp luật đầu tiên

- Luật  PBGDPL đã quy định ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hàng năm Ngày này sẽ được triển khai như thế nào hay lại đi theo lối mòn và lãng phí?

- Để tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên trong năm nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và vừa qua đã xin ý kiến các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL TƯ Hướng dẫn về nội dung, cũng như hình thức, cách thức thực hiện, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đồng thời phù hợp với đặc điểm, tình hình, điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện, do đó Bộ Tư pháp dự kiến sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Lễ mít tinh quốc gia để khởi đầu cho một ngày mang ý nghĩa lịch sử này.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Thúy (ghi)

Đọc thêm