“Nhà đầu tư nội cần được công bằng với nhà đầu tư ngoại“

(PLO) - Sửa đổi Luật Đầu tư là một sự khẳng định Việt Nam đang từng bước cải thiện môi trường đầu tư. Theo ĐB Đỗ Văn Vẻ (Tỉnh Thái Bình) trong chủ trương đổi mới này không phải chỉ có nhà đầu tư ngoại mới đáng được mời gọi, mà cần phải có cả những ưu đãi thích đáng với nhà đầu tư trong nước.
“Nhà đầu tư nội cần được công bằng với nhà đầu tư ngoại“
- Theo ông, trong cơ chế về thu hút đầu tư hiện nay, có điều gì cần tháo gỡ?
Điều quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh cho các DN một cách thông thoáng. Những vấn đề nhà nước cấm, kinh doanh có điều kiện… phải đưa ra rõ ràng, còn lại thì mở rộng để các nhà đầu tư kinh doanh. Chắc chắn, hoạt động đầu tư sẽ tốt hơn.  
Chúng ta đã hòa nhập vào sân chơi quốc tế, nếu không mở ra nhiều hướng mới sẽ hạn chế trong  quá trình thực hiện. Đây là những điều QH đang bàn, và sẽ có nhiều ý kiến đề chúng ta lựa chọn những gì phù hợp nhất.
- Ông có cho rằng Dự luật đã đạt được sự thông thoáng cho các nhà đầu tư?
Về cơ bản, tôi thấy đã có nhiều đổi mới, đã tốt hơn những quy định cũ. Nhưng thế giới đang thay đổi từng ngày, từng giờ, cho nên chúng ta phải thường xuyên xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp. Hy vọng sau khi các ĐB QH đóng góp ý kiến hoàn thiện và luật được thông qua,  sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động dễ dàng hơn.
-  Nhiều nhận định cho rằng chúng ta đang đầu tư quá dàn trải. Với địa bàn tỉnh Thái Bình, các khu công nghiệp có hoạt động hiệu quả không?
Nhìn chung cả nước, vấn đề đầu tư có một số bất hợp lý, nhưng chúng ta mới đổi mới, mở cửa, cho nên những  điều bất hợp lý khó tránh khỏi.  Một số tình trạng dễ gặp như  đầu tư dàn trải, một số dự án chậm đi vào hoạt động, hiệu quả thấp, thậm chí mất cân đối trong các lĩnh vực đầu tư… 
Tôi nghĩ chúng ta đang đi tìm giải pháp cho sự bất hợp lý đó. Và vì bất hợp lý nên phải sửa luật. Làm sao để cho nó phù hợp với tình hình thực tế. Chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không tránh khỏi những cái mà chúng ta còn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Lần sửa đổi này sẽ giúp cho  việc đầu tư có hiệu quả…, phát huy được năng lực của các nhà đầu tư, tạo được điều kiện cho nền kinh tế phát triển.
- Nếu cơ chế “chặt” thì nhà đầu tư ngại, “thoáng” lại sợ không hiệu quả – giải quyết mâu thuẫn như thế nào, thưa ông? 
Thoáng thì vẫn phải thoáng, chặt thì vẫn phải chặt. Phải  sàng lọc để tránh  tình trạng các dự án chuyển vào với những ngành hàng không cần thiết, không hiệu quả, ảnh hưởng đến môi trường, thiết bị thì cũ…. 
Điều quan trọng nhất trong môi trường đầu tư theo tôi là  làm sao để các DN nước ngoài được ưu ái, nhưng DN trong nước cũng cần được ưu ái. Ngoại lực quan trọng, nhưng nội lực cũng rất quan trọng. Phát huy nội lực để các DN trong ngước ngày càng lớn mạnh. Nếu luật không đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư, nền kinh tế của chúng ta không thể vững được.  
- Kinh tế biển, hậu trường nghề cá đang được chú ý quan tâm. Nhưng trong luật đầu tư sửa đổi,  kinh tế biển không nằm trong danh mục ngành được ưu đãi, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? 
Nhà nước phải lên được danh mục những ngành hang cấm, ngành hang kinh doanh có điều kiện, ngành ưu đãi. Tất cả những cái đó phải thể hiện được thành các danh mục đầy đủ, tôi nghĩ nó sẽ tạo ra sự minh bạch, công tâm. Đó là điều cần nhất cho môi trường đầu tư. Những sự quan tâm đúng mức sẽ tốt hơn, chứ không hẳn là cứ có ưu đãi là tốt.
- Xin cám ơn ông!

Đọc thêm