Ngay sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm sáng qua (11/6), trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, “còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc, xem những gì còn yếu kém để chỉnh sửa, cố gắng hơn nữa”.
|
Bộ trưởng Hà Hùng Cường |
- Tôi rất phấn khởi và trân trọng sự đánh giá của các vị ĐBQH và cũng là của nhân dân đối với ngành tư pháp và cá nhân mình. Vẫn còn không ít số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp cũng là điều phải suy nghĩ đối với cá nhân tôi vì lĩnh vực tư pháp không có gì gọi là quyền lợi để có va chạm trực tiếp như các ngành kinh tế, xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là còn nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận, đánh giá lại nghiêm túc, xem những gì còn yếu kém để chỉnh sửa, cố gắng hơn nữa.
Bộ trưởng suy nghĩ gì khi Bộ trưởng một số ngành kinh tế, xã hội có số phiếu tín nhiệm còn chưa cao?
- Tôi rất chia sẻ và nghĩ rằng, có phần trách nhiệm cá nhân, nhưng không phải hoàn toàn là trách nhiệm cá nhân của từng bộ trưởng đó. Không phải tôi giải trình hộ các đồng chí đó nhưng khó khăn là khách quan. Thực ra mới gần 2 năm đảm nhiệm chức vụ, phải giải quyết nhiều tồn đọng lớn từ nhiều năm, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng.
Vậy Bộ trưởng có thể giải thích về hiện tượng số phiếu tín nhiệm của khối hành pháp cao hơn khối tư pháp?
- Cái này thì cũng rõ thôi, vì chức trách lập pháp, ĐBQH còn có chức trách quan trọng là giám sát để theo dõi sự chỉ đạo, điều hành đất nước mà có lẽ nặng về phía Chính phủ, các bộ nên số phiếu thuộc về hành pháp thấp cũng là dễ hiểu.
Sang năm tới, việc lấy phiếu theo Bộ trưởng cần phải rút kinh nghiệm như thế nào?
- Tôi cho rằng, việc đầu tiên là cần phải xem lại Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tất nhiên đây là việc thực hiện NQ TƯ 4 nhưng cũng cần phải xem lấy phiếu đối với chức danh nào. Theo tôi, chỉ cần lấy phiếu đối với Chính phủ, các thành viên Chính phủ, chứ lấy phiếu các chức danh của Quốc hội cũng không nhất thiết lắm. Các bạn biết rồi, cơ chế hoạt động của Quốc hội là nghị trường, theo nguyên tắc tập thể, các ĐBQH đều ngang nhau cả nên mọi sự thể hiện cá nhân không thể rõ so với Chính phủ. Sự tương tác với các ĐBQH tính chất cũng khác nhau, mọi sự so sánh đều rất khó.
Từ việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội lần này, theo Bộ trưởng có nên áp dụng trong Đảng?
- Trong Đảng đã có quy định, sắp tới sẽ tổ chức lấy phiếu, còn mức độ công bố đến đâu thì phải chờ hướng dẫn, có thể bắt đầu từ kinh nghiệm của Quốc hội. Theo quy định, những người lấy phiếu với chức trách bên nhà nước sẽ thôi lấy phiếu tín nhiệm bên Đảng. Còn chuyện công khai, cá nhân tôi nghĩ phải nên công khai, vì Đảng cũng nắm quyền lực của người dân, cũng là phục vụ nhân dân, nếu cũng công khai được như Quốc hội thì tốt.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
H.G (ghi)