Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của hơn 200 doanh nghiệp, 30 hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học, cơ quan trung ương và địa phương tham dự tại Hội trường, và hàng nghìn doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại 63 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.
Theo VCCI, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau. Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và có thể đối mặt với rủi ro pháp lý.
Theo Bộ Xây dựng, đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động đã được Bộ Xây dựng duy trì qua nhiều năm, và là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ, thể hiện mong muốn phục vụ, cầu thị và luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng, riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định.
Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022, hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của ngành năm 2021, 2022.
“Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh, doanh của ngành, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách vẫn còn rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, qua phiên đối thoại, Bộ Xây dựng mong muồn nhận được những đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trên thực tế, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đề xuất những giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.