Không để lại ai phía sau vì không có chi phí khám chữa bệnh
Năm 2017, Bộ Y tế đã có những sự kiện nổi bật như: đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên 84,6%.
Ngoài ra, Ngành đã thực hiện đổi mới, sắp xếp hệ thống y tế theo hướng tinh gọn bộ máy trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm y tế làm nhiệm vụ y tế dự phòng không có giường bệnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố…
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại các trạm y tế xã và triển khai đề án tăng cường y tế cơ sở, đưa hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào sử dụng – đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng đến suốt đời thông qua cổng thông tin tra cứu lịch sử tiêm chủng; đấu thầu tập trung thuốc quốc gia giúp giảm chi phí thuốc và tiết kiệm ngân sách, Việt Nam đã tự chủ sản xuất vắc xin sởi - rubella,…
Năm 2018, ngành Y tế đề ra các mục tiêu chung đó là: Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, dịch bệnh, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành Y tế đã xây dựng 10 nhiệm vụ cụ thể để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe y tế toàn dân theo các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới.
Thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ: Triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã; mở rộng mô hình bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe đến từng người dân; đẩy mạnh quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, chăm sóc dài hạn tại trạm y tế xã. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế: Các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trung tâm y tế huyện đa chức năng và quản lý trạm y tế; Bộ Y tế xây dựng đề án hình thành CDC Trung ương và vùng; cơ quan kiểm soát dược phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế (FDA) Trung ương và vùng trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cùng thực hiện nhiệm vụ trên.
Đặc biệt, năm 2018, để hạn chế tình trạng vượt tuyến, ngành đề xuất các cơ chế về giá, tỉ lệ đồng chi trả để khuyến khích người dân khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Bộ trưởng Tiến khẳng định: “Không để lại ai phía sau vì không có chi phí khám chữa bệnh. Hướng tới mọi người dân được tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách công bằng, nâng cao sức khỏe để có chất lượng cuộc sống tốt. Để làm được điều đó, chỉ có cách tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)”.
Tạo được môi trường bệnh viện, môi trường điều trị thực sự tốt
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2018 là tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, mở rộng quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, hình thành mô hình quản lý bệnh viện như doanh nghiệp công ích. Tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình BHYT toàn dân, hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Biểu dương những nỗ lực của ngành Y tế trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, qua những chuyến đi thực tế tại y tế cơ sở, điều nổi bật có thể cảm nhận là khi người dân đi viện, từ chất lượng khám, chữa bệnh đến tinh thần, thái độ của nhân viên y tế đã nâng lên rõ rệt,...
Về kế hoạch công tác 2018 của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý một số nhiệm vụ: Ngành Y tế phải tạo được môi trường bệnh viện, môi trường điều trị thực sự tốt về cơ sở vật chất, về phong cách phục vụ, sự tận tâm đối với từng người bệnh. Đồng thời cũng nghiêm túc nhìn nhận môi trường bệnh viện không chỉ là xanh, sạch, đẹp mà còn là minh bạch, liêm chính, chất lượng phục vụ cao.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các bệnh viện cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính, không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương (như Bạch Mai, Việt Đức...) mà thực tế cho thấy nhiều y tế cơ sở hoàn toàn tự chủ được. Tinh thần tự chủ là sử dụng toàn bộ các nguồn lực ở địa phương để phục vụ người dân mà không phân biệt công – tư, trong khi đó sẽ giải quyết được câu chuyện biên chế, không phải chỉ cắt giảm hành chính sự nghiệp theo nghĩa thông thường.
Tỉ lệ điều dưỡng, bác sỹ trên 1.000 dân chỉ thấp bằng một nửa so với thế giới, vì vậy việc tự chủ tài chính là cần thiết đối với nhân sự tuyển dụng thêm mà không ảnh hưởng đến quỹ lương và biên chế của đơn vị đảm bảo tăng chất lượng khám chữa bệnh dẫn đến sự hài lòng của người bệnh....