Bộ Tư pháp có kết quả cải cách hành chính vào nhóm đầu

(PLVN) - Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 của các Bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm đầu gồm 14 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp.
Hội nghị diễn ra vào chiều 24/5.
Hội nghị diễn ra vào chiều 24/5.

Chiều nay (24/5), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2018) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS 2018).

Theo báo cáo tại hội nghị, kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 của các bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, bao gồm 14 bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công Thương; Bộ Ngoại giao; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thanh tra Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 4 bộ: Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y Tế và Bộ Giao thông vận tải. 

Trong lĩnh vực chỉ đạo điều hành CCHC cho thấy có sự cải thiện đáng kể so với năm 2017 và 2016. Các bộ, ngành đã tập trung triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, tuyên truyền cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác ban hành kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch cải cách hành chính đã ban hành. Tình trạng không hoàn thành nhiệm vụ hoặc thực hiện quá hạn nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã giảm đáng kể.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 có giá trị trung bình đạt 76.92%. Có 29 địa phương đạt kết quả Chỉ số cao hơn giá trị trung bình, trong số đó có 9 địa phương đạt kết quả trên 80%; 60/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số trên 70%. Đáng chú ý, trong năm 2018 không có địa phương đạt kết quả dưới 60% và khoảng cách kết quả Chỉ số giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất trong bảng xếp hạng năm 2018 là 19.53%, thu hẹp đáng kể so với năm 2017 (29.76%). 

Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số đạt 89.06%, cao hơn 5.08% so với đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là thành phố Hà Nội, đạt 83.98%. Tỉnh Đồng Tháp đã có những cải thiện đáng kể về kết quả Chỉ số CCHC năm 2018, đạt 83.71/100 điểm, tăng 1.80 điểm so với năm 2017, đứng ở vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng hợp và đạt kết quả cao nhất trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ.

Các vị trí thứ 4, và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2018 thuộc về 2 thành phố lớn, lần lượt là Đà Nẵng (đạt 83.70%) và Hải Phòng (đạt 83.68%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây. 

Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2018 còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của 02 địa phương đó là Long An và Ninh Bình. Đây cũng là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực không ngừng trong tổ chức triển khai nhiệm vụ CCHC thời gian qua tại các đơn vị này. 

Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2018, có 3 địa phương đạt kết quả dưới 70%. Phú Yên là địa phương xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố với kết quả Chỉ số đạt 69.53%. Hai đơn vị khác có kết quả dưới 70% là tỉnh Kon Tum, đạt 69.57%, xếp thứ 62/63 và tỉnh Trà Vinh, đạt 69.85%, xếp thứ 61/63. 

Nhìn chung, trong năm 2018, các đối tượng bên ngoài là người dân, tổ chức tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả cải cách hành chính ở các địa phương. Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách cải cách hành chính tại địa phương; kết quả thực hiện CCHC đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống. 

Bên cạnh đó, kết quả đánh giá cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý vẫn còn mong đợi nhiều hơn nữa đối với việc triển khai nhiệm vụ CCHC; đây là tín hiệu lạc quan và động lực cần thiết để tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nâng cao hiệu quả cải cách trong thời gian tới.

Đọc thêm