Hưởng ứng Năm Thanh niên, tháng Thanh niên và kỷ niệm 81 năm thành lập Đoàn TNCS HCM, sáng qua - 26/3, BCH Đoàn Thanh niên (ĐTN) Bộ Tư pháp đã tổ chức Đối thoại trực tuyến giữa Bộ trưởng Hà Hùng Cường với đoàn viên, thanh niên Bộ với Chủ đề “Thanh niên xung kích sáng tạo, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Đây là lần thứ 2, ĐTN Bộ tổ chức một hoạt động như vậy (lần đầu năm 2008) nhằm góp phần phát huy dân chủ cơ sở ở cơ quan Bộ và “rút ngắn khoảng cách” giữa các thế hệ cán bộ công chức.
|
Bắt đầu bằng khẳng định này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, theo thống kê, hiện CBCC trẻ chiếm 44% lực lượng CBCC toàn ngành và đến 42% CBCC ở cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc. “Hiếm có nước nào cơ quan Bộ nhiều cán bộ trẻ như vậy”.
Giải đáp những quan tâm của nhiều bạn trẻ gửi đến Bộ trưởng về điều kiện cho cán bộ công chức (CBCC) trẻ phát huy khả năng, phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển của Bộ, ngành Tư pháp, về chính sách bồi dưỡng, đào tạo, qui hoạch CBCC trẻ, tạo môi trường làm việc hiệu quả, phát huy được năng lực CBCC, hoàn thành nhiệm vụ được giao..., Bộ trưởng nhận xét, hạn chế của đội ngũ CBCC trẻ là chưa có nhiều kinh nghiệm, việc trăn trở, học tập nghiên cứu để thực hiện nhiệm vụ, gắn khoa học pháp lý với cuộc sống còn khoảng cách.
“Nhưng nếu biết quan sát, lắng nghe, trăn trở, nghiên cứu, đi vào cuộc sống với những vấn đề chính trị pháp lý, kinh tế pháp lý đang diễn ra, nắm bắt các cơ hội thì sẽ trưởng thành rất nhanh, thực sự có đóng góp cho Bộ, ngành, đất nước và nhân dân. Qua đó, tạo lập sự nghiệp cho bản thân ngày càng tốt hơn”.
Tạo điều kiện cho CBCC nói chung và CBCC trẻ nói riêng học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, Bộ đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Bên cạnh việc qui hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng CB lãnh đạo, Bộ cũng có kế hoạch thực hiện qui hoạch cán bộ chuyên môn không chỉ cho hội nhập mà trên tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ.
Sắp tới, Bộ sẽ khảo sát, đánh giá chất lượng CBCC theo nguồn tuyển dụng (cử nhân mới ra trường và cán bộ địa phương chuyển về) để xác định những điểm mạnh, điểm yếu, đưa ra giải pháp để hai nguồn cán bộ này có thể bổ sung cho nhau, cùng phát huy khả năng, đóng góp vào sự phát triển chung của Bộ, ngành và định hướng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Bộ.
Trăn trở để được cống hiến
Ý thức được là “lực lượng nguồn cho sự phát triển của Bộ, ngành” nhiều đoàn viên, thanh niên băn khoăn về những “việc cần phải làm” để hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của Bộ, ngành. Bộ trưởng rất tâm đắc và “cảm ơn các CBCC trẻ đã chọn Bộ Tư pháp và các đơn vị của Bộ để “lập nghiệp”.
Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ chính trị số 1 của mỗi CBCC là hoàn thành tốt, nếu được thì hoàn thành xuất sắc, nhiệm vụ được giao. “Muốn làm được thì phải làm tốt từ việc nhỏ, không nên coi thường việc nhỏ và sẽ có những việc lớn chờ đợi. Xuất phát từ vị trí công việc của mình, phải quan tâm đến việc của các đơn vị khác, của Bộ, ngành, đất nước. Thanh niên phải mạnh dạn tham gia để hoạt động của Bộ, đơn vị dân chủ, khách quan, công bằng, tránh chủ nghĩa cơ hội, tránh tình trạng không đấu tranh với sai trái”.
Với tâm tư của nhiều CBCC trẻ về thu nhập “quá thấp”, khiến nhiều người dao động, hạn chế khả năng cống hiến, Bộ trưởng khẳng định: “Làm việc ở Bộ là môi trường tốt nhất để thành luật gia giỏi. Lựa chọn công việc là quyền của mỗi người. Thu nhập quan trọng với thanh niên mới lập nghiệp, nhưng yếu tố quyết định để “giữ chân” cán bộ là môi trường, tập thể làm việc. Nếu ai coi thu nhập là vấn đề duy nhất thì khó giải quyết, nhưng nếu tính đến những lợi ích khác như sự đóng góp của bản thân, giá trị mà mình mang lại cho sự phát triển chung, coi đó là ý nghĩa cho cuộc đời thì những khó khăn vật chất sẽ lại chỉ là vấn đề nhỏ”.
Bộ trưởng cũng đề cập đến thực trạng “sẽ có nhiều CBCC trẻ ra đi” nhưng cho rằng, “khi ngoảnh lại, họ sẽ đau xót trước tình hình pháp luật và tư pháp của đất nước vì việc thực hiện chủ trương xây dựng NNPQ bị ngắt quãng”. Thực tế đã không ít DN, tập đoàn kinh tế, cơ quan NN phải trả “phí” hội nhập quá đắt do thiếu một đội ngũ chuyên gia pháp luật. Do đó, góp phần xây dựng ngành, thanh niên “hãy giúp và hiến kế để Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.
Để tạo điều kiện cho CBCC trẻ thực hiện các ý tưởng mới trong việc thực hiện nhiệm vụ và khẳng định vị thế của Bộ, ngành, trong số rất nhiều giải pháp, Bộ trưởng cho rằng: “Tin vào CB trẻ, giao việc, sử dụng, khơi dậy cho CB phát huy lợi thế, tiềm năng, hoan nghênh mọi sáng kiến của CB trẻ, nâng đỡ, suy tôn những người có khả năng phát huy, bồi dưỡng… CB trẻ là giải pháp quan trọng, thủ tưởng các đơn vị phải thấm nhuần tư tưởng này. Các CB thế hệ trước trưởng thành một phần cũng nhờ vào sự tin tưởng đó”.
Bộ trưởng cũng đề nghị, ĐTN Bộ hàng năm nên vinh danh 10 gương mặt tiêu biểu của thế hệ trẻ (như TƯ Đoàn đang làm), có những hoạt động thiết thực để thanh niên thực sự “vào cuộc” với chuyên môn, sáng tạo trong công việc, truyền “lửa” từ phong trào thanh niên vào được tư tưởng của đoàn viên, thanh niên trong Bộ, ngành…
Hương Giang