Bộ Tư pháp gỡ "nút thắt" cho người dân với "cơ chế cam đoan"

Có những trường hợp vì lý do khách quan hay chủ quan, người dân không còn lưu giữ những giấy tờ cần thiết cũng như không thể xin cấp lại các giấy tờ này để làm thủ tục đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, bằng quy định cho công dân tự cam đoan và tự chịu trách nhiệm về việc cam đoan đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân khi có yêu cầu.

Có những trường hợp vì lý do khách quan hay chủ quan, người dân không còn lưu giữ những giấy tờ cần thiết cũng như không thể xin cấp lại các giấy tờ này để làm thủ tục đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên, bằng quy định cho công dân tự cam đoan và tự chịu trách nhiệm về việc cam đoan đó đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân khi có yêu cầu.

Hình minh họa
Hình minh họa

Không cho cam đoan, dễ bế tắc

Chị L.H.M ở Từ Liêm, Hà Nội còn nhớ như in cái ngày chị vượt cạn cách đây gần 5 năm. Trận lụt lịch sử của Hà Nội diễn ra đúng vào ngày chị trở dạ. Chồng đi công tác xa không kịp về, nhà lại chẳng có bà hay ô sin, nên thấy đau bụng là chị vơ vội ít quần áo gọi taxi một mình vào viện. Hà Nội hôm ấy mưa như trút nước, hầu như tất cả đường phố đều đã thành sông. Taxi chỉ chở chị đi được khoảng hơn 1km thì kẹt cứng. Cơn đau dữ dội khiến cả chị và người lái taxi đều không biết xoay sở ra sao. Chị sinh con ngay trong xe taxi dễ dàng đến không thể tưởng tượng nổi...

Bé sinh ra được hơn 1 tháng, chị đi làm đăng ký khai sinh cho con, nhưng nghẹt nỗi chị không sinh con tại cơ sở y tế nên không có giấy chứng sinh. Nghe có người mách, chị đi tìm người lái taxi ngày ấy nhưng do chị không nhớ tên hãng taxi cũng như bất cứ thông tin gì về người lái xe nọ nên dù có lục tung cả Hà Nội lên chị cũng không tìm được “nhân chứng duy nhất”.

Trong lúc bế tắc, chị đến UBND xã với hy vọng sẽ giải quyết được câu chuyện của mình. Thật may mắn, tại đây cán bộ UBND đã cho chị được cam đoan về việc sinh con của mình là có thật. Chỉ một thao tác đơn giản ấy mà chị M cảm thấy như trút đi được một gánh nặng, bởi lẽ ai trong hoàn cảnh đặc biệt như chị mới thấu hiểu việc có được một tấm giấy chứng sinh hay một văn bản làm chứng khó như “mò kim đáy bể”.

Cũng nan giải như chị M, nhưng trường hợp của chị Nguyễn Thu H ở TP.Bỉm Sơn, Thanh Hóa còn mất nhiều công sức hơn. Năm 1998, chị H tốt nghiệp Đại học rồi ở lại Hà Nội công tác. Cái thời người khôn của khó, kiếm được một việc làm ổn định ở thành phố là vô cùng khó khăn. Thêm nữa, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại trung ở một trường Đại học không ai biết tên tuổi, lại không tiền bạc, quan hệ gì... nên chị H cứ thử việc hết cơ quan này đến cơ quan khác.

Chỗ ở trọ của chị cũng liên tục thay đổi, từ nội thành ra ngoại thành, từ phố vào làng, cứ chỗ nào rẻ, tiện cho sinh hoạt là chị lại làm cuộc cách mạng chuyển nhà... Cứ thế, mãi đến năm 2004, chị H. mới kiếm được việc làm ổn định tại một doanh nghiệp nhà nước. Cũng trong năm này, chị H dự định làm lễ cưới với anh C, người Lào Cai.

Tuy nhiên, anh chị không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn vì chị H không xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Lý do, ngay từ khi vào trường Đại học (1994) chị đã cắt hộ khẩu thường trú tại địa phương. Thời gian ở thành phố chị đã thuê trọ ở rất nhiều địa bàn khác nhau, nhưng khi đi thuê nhà chị cũng không làm đăng ký tạm trú nên khi trở lại những địa phương này không ai biết chị là ai để mà xác nhận chị chưa từng kết hôn.

Các cơ quan nơi chị thử việc cũng từ chối do chị chưa được ký hợp đồng hay vào biên chế nên không thuộc sự quản lý của họ. Còn cơ quan mới nơi tiếp nhận chị vào làm việc, họ chỉ xác nhận chị “chưa chồng” trong thời gian chị làm việc tại cơ quan, còn những thời gian trước, họ không thể xác nhận.

Thế là bế tắc. Không xin được xác nhận ở từng đó nơi mình đã sinh sống, làm việc, chị H, anh C tặc lưỡi làm lễ cưới mà chưa có đăng ký kết hôn. Mãi cho đến hơn 2 năm sau, chị sinh bé gái và khi phải làm giấy đăng ký khai sinh cho con, chị mới được chấp thuận cho “cam đoan” về tình trạng hôn nhân để vừa làm đăng ký kết hôn cho mẹ, vừa làm đăng ký khai sinh cho con theo Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Cho cam đoan là cho cơ hội

Rất nhiều người lâm vào tình huống “dở khóc dở cười” như chị H. Do có hộ khẩu thường trú ở một nơi nhưng tạm trú ở một nơi khác, quá trình sinh sống họ lại di chuyển liên tục, thậm chí trong nhiều địa phương, hay ra cả nước ngoài. Theo quy định, khi đăng ký kết hôn họ phải “gõ cửa” tất cả những nơi đã từng sống để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

 Tuy nhiên, không có một chính quyền sở tại  hay cơ quan tổ chức nào dám mạo hiểm xác nhận người đó chưa kết hôn trong thời gian họ không sinh sống/làm việc tại địa phương/cơ quan, tổ chức đó. Vì sự rắc rối này mà nhiều người phải tốn kém về tiền bạc, sức lực khi đáp ứng yêu cầu để được kết hôn. Cũng vì thủ tục này mà có người đành chặc lưỡi “kết hôn chui” vì chuyện lấy xác nhận vượt quá khả năng của họ.

Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì mọi chuyện đã thay đổi. Theo quy định  của Nghị định này “UBND cấp xã, nơi cư trú của người có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đó”.

Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn đối với người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của họ và chịu trách nhiệm về việc cam đoan. Quy định cho cam đoan về tình trạng hôn nhân thực sự đã gỡ khó cho công dân trong hành trình xin giấy xác nhận.

Cũng theo Nghị định 158/CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, ngoài cho phép công dân được cam đoan về tình trạng hôn nhân, thì lĩnh vực đăng ký khai sinh, khai sinh lại cũng được phép cam đoan.

Việc cam đoan trong nhiều trường hợp thực sự là cứu cánh cho người dân khi họ không còn hay không thể xin được các giấy tờ theo quy định. Dự thảo Luật Hộ tịch mới cũng cần kế thừa một số quy định này với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đăng ký hộ tịch.

 Tuy nhiên, thực tế cũng có những trường hợp lợi dụng các quy định về cam đoan để gian dối, trục lợi. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần phải nâng cao mức phạt hành chính đối với các trường hợp này, vi phạm ở mức độ hình sự thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, khi cho phép người dân cam đoan, cán bộ hộ tịch là phải giải thích, hướng dẫn để việc cam đoan đảm bảo sự trung thực, chính xác.

Thắng Chung

Đọc thêm