Bộ Tư pháp họp báo Quý III và tháng 10/2019

(PLVN) -Chiều 8/11, Bộ Tư pháp họp báo Quý III và tháng 10/2019. Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp báo.
Bộ Tư pháp họp báo Quý III và tháng 10/2019

Tại cuộc họp báo, các phóng viên đã nêu câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp như công tác ban hành văn bản, thi hành án hành chính, công tác khai sinh, quốc tịch, phổ biến giáo dục pháp luật, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật” (chỉ số B1)…Tại cuộc họp,  Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và TDTHPL Đặng Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra Văn bản Hoàng Xuân Hoan, Phó Cục trưởng Cục các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức…đã trả lời câu hỏi của các phóng viên.

Theo Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn trong Quý III và tháng 10, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và cụ thể nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc chức năng, nhiệm vụ và đã đạt được một số kết quả 

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Trong Quý III và tháng 10, Bộ Tư pháp đã thẩm định 94 dự án, dự thảo VBQPPL, 16 đề nghị xây dựng VBQPPL. Trong quá trình thẩm định các văn bản QPPL, đặc biệt là các dự án luật được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Bộ Tư pháp đều có ý kiến rõ ràng, cụ thể, nhất là với các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính còn chung chung, chồng chéo, gây cản trở và khó khăn hoặc làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, doanh nghiệp. 

Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong Quý III và tháng 10, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 08 văn bản (07 nghị định, 01 thông tư) quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh. Riêng Bộ Tư pháp đến nay không nợ văn bản quy định chi tiết.

Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với hơn 801 văn bản (gồm 36 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 765 văn bản của địa phương); qua kiểm tra đã kiến nghị xử lý đối với một số văn bản trái pháp luật về thể thức, kỹ thuật trình bày, nội dung, thẩm quyền và văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL. 

Về kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2019, ông Hoàn cho biết: Trong bối cảnh số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm 2018, tăng 24.200 việc (tăng 3,99%), tương đương với trên 65 nghìn 509 tỷ đồng (tăng 97,14%), các cơ quan THADS đã nỗ lực thi hành vượt chỉ tiêu đã đề ra; thi hành xong trên 579 nghìn việc (đạt 78,59%) tương ứng với trên 52.715 tỷ đồng (đạt 35,43%). Số tuyệt đối thi hành cả về việc, về tiền đều tăng so với năm 2018, số việc thi hành xong tăng 8.101 việc (tăng 1,42%), số tiền thi hành xong tăng trên 18.207 tỷ đồng (tăng 52,77%). Bộ Tư pháp đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng; thực hiện nghiêm túc các quy định về THADS liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Tính đến hết 31/10/2019, cả nước đã đăng ký khai sinh mới cho 4.805.513 trường hợp, cấp số định danh cho 2.886.794 trường hợp. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp đã cấp 6678 Phiếu LLTP theo thẩm quyền; Các Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục ĐKQGGDBĐ đã giải quyết 391.216 trường hợp đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và văn bản thông báo phương tiện giao thông, trong đó tiếp nhận qua phương thức trực tuyến khoảng 72% tổng số trường hợp đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm.

Bộ Tư pháp đã tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các văn bản trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thông qua đó từng bước góp phần chuyển biến về nhận thức và tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp.

 Bộ Tư pháp đã chủ trì thẩm định 35 điều ước quốc tế; góp ý 102 điều ước quốc tế; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác song phương và đa phương.

Bộ Tư pháp đã trả lời đối với 50/50 kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (đạt tỷ lệ 100%) trong đó, kiến nghị cử tri tập trung vào một số lĩnh vực như: công tác xây dựng và thực thi các quy định của pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác theo dõi thi hành án hành chính; công tác hộ tịch, quốc tịch... Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã xử lý, giải quyết 14/14 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (đạt tỷ lệ 100%); hoàn thành 18/18 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đạt tỷ lệ 100%) bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Đặc biệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực trong hành động của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, địa phương thời gian qua, chỉ số B1 của Việt Nam năm 2019 đã được nâng cao về điểm số và thứ hạng, góp phần nâng cao thứ hạng về cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo GCI 4.0. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2019, công bố ngày 08/10/2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ số B1 của Việt Nam đạt 3.4 điểm trên thang điểm 7 (tăng 0,3 điểm so với năm 2018), xếp thứ 79/141 nước (năm 2018 xếp thứ 96/140 nước). Như vậy, năm 2019, Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ về điểm số và vị trí xếp thứ hạng về chỉ số B1 so với năm 2018, theo đó, điểm số và vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số B1 được nâng lên 17 bậc so với năm 2018, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP là năm 2019 tăng ít nhất 2 bậc đối với chỉ số này.

Kết quả tích cực đạt được trong năm 2019 của Việt Nam theo đánh giá của WEF về điểm số và xếp hạng chỉ số B1, về xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia… sẽ tạo những tiền đề thuận lợi để Chính phủ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục duy trì và cải thiện chỉ số B1 và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia trong những năm tiếp theo

Từ nay đến hết năm 2019, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức việc tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Tập trung hoàn thiện, đảm bảo thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đặc biệt là các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Đồng thời, rà soát, đôn đốc các bộ gửi hồ sơ để thẩm định đề nghị xây dựng các luật dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020; Tăng cường các biện pháp để hoàn thành các nhiệm vụ được giao năm 2019; nghiên cứu, xây dựng nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

 Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt nam năm 2019, trọng tâm là Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường” (ngày 08/11/2019). Thực hiện tốt việc tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trường Đại học Luật Hà Nội (ngày 10/11/2019)

Một số hình ảnh tại cuộc họp báo:

 
 
 
 
 
 
 

Đọc thêm