Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phát huy truyền thống vẻ vang của Bộ, ngành Tư pháp trong 75 năm xây dựng và phát triển, Bộ Tư pháp phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021 – 2025 với chủ đề “Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao” với các nội dung cơ bản.
Cụ thể, tham mưu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các văn kiện của Đảng về xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả hệ thống pháp luật; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức triển khai hiệu quả các luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025. |
Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về thi hành án dân sự (THADS) được Quốc hội giao; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, cung cấp các dịch vụ công của ngành Tư pháp, đáp ứngg yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực pháp lý quốc tế; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hợp tác quốc tế về pháp luật và tương trợ tư pháp; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đào tạo của các học viện và nhà trường, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp luật của các cơ quan nhà nước và của xã hội.
Tăng cường công tác xây dựng ngành, tiếp tục đổi mới, thực hiện tốt công tác cán bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, nhất là cán bộ ở cơ sở.
Phát huy vai trò của các tổ chức pháp chế, cơ quan Tư pháp từ Trung ương đến địa phương trong việc tham mưu cho các bộ, ban, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật…
Thứ trưởng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu, yêu cầu trên, Bộ, ngành Tư pháp xác định và quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Như là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/04/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và Khối thi đua các cơ quan Nội chính Trung ương phát động. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua trên cơ sở bám sát nhiệm vụ của Bộ, ngành trong từng năm và cả giai đoạn 2021 – 2025; đổi mới phương thức đánh giá kết quả phong trào thi đua, đảm bảo thực chất.
Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong qúa trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng. Kịp thời kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua – khen thưởng, Cụm, Khu vực thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng…
* Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Đỗ Đức Hiển: Chủ động, tích cực, trách nhiệm trong phong trào thi đua yêu nước ngành Tư pháp
Trong giai đoạn 2015 – 2020, Vụ đã thẩm định hơn 30 đề nghị xây dựng và dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; hơn 50 dự thảo nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều đề án, văn bản trong lĩnh vực hình sự, hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước… Trong công tác tham mưu các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống, liên ngành trong thi hành pháp luật, Vụ đã nghiên cứu, đề xuất các ý kiến pháp lý giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc phức tạp, những vấn đề nóng, bức xúc phát sinh trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội
Trên cơ sở bám sát nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Vụ cũng đã chủ động, kịp thời phát hiện và đề xuất với Bộ, tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách pháp luật quan trọng, phù hợp với điều kiện đất nước trong từng giai đoạn. Các đề án, đề tài hoàn thành đều bảo đảm chất lượng tốt, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất hoàn thiện pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan, tạo được niềm tin, đánh giá cao của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị trong và ngoài Bộ.
* Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Hoa: Đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã có sự phát triển vượt bậc, được vinh dự đón nhận những hình thức khen thưởng cao, như Huân chương Lao động hạng Ba; 02 Cờ thi đua của Chính phủ; 08 Cờ thi đua của Bộ Tư pháp và của UBND tỉnh và nhiều Bằng khen chuyên đề khác.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Bình Dương với chính sách phát triển công nghiệp làm đòn bẩy, từ chức năng nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp cũng có sự tham gia tích cực trong việc góp ý trong quá trình tỉnh xây dựng, ban hành nhiều chính sách quan trọng và triển khai những giải pháp về đầu tư; cải cách hành chính; tham gia hỗ trợ tư vấn pháp lý các thủ tục hành chính; kịp thời rà soát, hệ thống hoá văn bản, giúp làm tinh gọn, minh bạch hệ thống văn bản của địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; tăng cường công tác quản lý Hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp. Việc triển khai mạnh mẽ việc xã hội hoá trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như hoạt động công chứng, đấu giá, luật sư… đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia phục vụ tốt cho người dân; hiệu quả công tác phối hợp được nâng cao qua việc ký kết các quy hoạch, quy chế phồi hợp trong nhiều lĩnh vực công chứng, luật sư, lý lịch tư pháp…
* Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An Phạm Quốc Nam: Phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị
Với đặc thù, tính chất phức tạp, khó khăn của công tác thi hành án dân sự (THADS), hàng năm Nghệ An đã bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chủ động đề xuất, triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Cục THADS tỉnh Nghệ An luôn chủ động hưởng ứng và triển khai hiệu quả, tích cực các phong trào thi đua yêu nước do ngành Tư pháp và tỉnh Nghệ An phát động.
Đối với phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, khâu đột phá đầu tiên là tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn địa phương… Song song với khâu đột phá về thể chế, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thi hành án được xác định là giải pháp trọng tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao… Cục THADS tỉnh cũng tham mưu cho UBND tỉnh mỗi năm ban hành kế hoạch phát động một phong trào thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với hưởng ứng các phong trào thi đua của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS.