Bộ Tư pháp quyết không để “giấy phép con” tạo kẽ hở cho nhũng nhiễu

(PLO) - Cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã lo ngại một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý (giấy phép con) đã làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu. Vậy nhưng chỉ trong vài tháng qua, sự chuyển động tích cực của Bộ Tư pháp cùng nhiều bộ, ngành đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực và Bộ Tư pháp là một trong 7 bộ được Thủ tướng Chính phủ biểu dương.
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị trực tuyến.

Cắt bỏ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh 

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngay trước thềm năm mới 2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo tổng hợp về công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội của các bộ, cơ quan, địa phương.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Với mục tiêu Chính phủ đề ra là cắt bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, từ cuối năm 2016, Bộ Tư pháp đã rà soát tập trung vào 4 nhóm nội dung: Các vướng mắc, bất cập phát sinh từ việc thiếu quy định của pháp luật và từ chính các quy định của văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); Các vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; Các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính; Một số vướng mắc, bất cập liên quan đến thi hành pháp luật.

Tính đến ngày 20/12/2017 còn 17/37 văn bản quy định chi tiết các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và 10/21 văn bản quy định chi tiết các luật liên quan đến an sinh xã hội chưa được ban hành. “Việc chưa kịp ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết có thể tạo “khoảng trống” pháp luật, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, cũng như cho chính công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, pháp luật về đầu tư, kinh doanh còn có một số quy định chồng chéo, chưa đồng bộ; còn thiếu nhất quán, chưa đảm bảo tính ổn định cao” - Bộ trưởng nêu vấn đề. 

Đối với các vướng mắc, bất cập của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề hiện là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện. “Một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa hợp lý đã làm hạn chế cơ hội gia nhập thị trường, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, năng suất lao động của doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần xem xét cắt giảm, vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, nhất là đối với những ngành nghề đặc thù.

Về các vướng mắc, bất cập liên quan đến thủ tục hành chính, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, thủ tục vẫn là rào cản lớn đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh. Cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. “Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính có trình độ, năng lực còn hạn chế; còn gây phiền hà, nhũng nhiễu”, Bộ trưởng Tư pháp chỉ rõ và cho biết trên thực tế, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng duy trì những quy định không hợp lý, hoặc tự đặt thêm thủ tục.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết: Theo đánh giá chung, thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính có trình độ, năng lực còn hạn chế; còn gây phiền hà, nhũng nhiễu. Trên thực tế, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng duy trì những quy định không hợp lý, hoặc tự đặt thêm thủ tục.

Việc thi hành pháp luật thì chưa nghiêm, làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Một số cán bộ, công chức hiểu và vận dụng quy định pháp luật chưa đúng, còn có biểu hiện lợi dụng một số quy định chưa rõ của pháp luật để gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế; việc phản ứng chính sách thông qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn chậm, thụ động…

Trên cơ sở các kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; dành nhiều ưu tiên cho việc đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ năm 2018 để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã phát hiện.

Bộ cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quyết tâm thực hiện các chương trình xây dựng VBQPPL, không để xảy ra tình trạng xin rút, hoãn hay nợ đọng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; chỉ đạo các địa phương tiếp tục đổi mới công tác đối thoại, tiếp nhận, xử lý kiến nghị…

“Dư địa” của sự tăng trưởng

Bộ Tư pháp còn xác định có 33 luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của 11 bộ, cơ quan ngang bộ cần sửa đổi, bổ sung. Đến nay, có 31/33 luật đã được lập đề nghị sửa đổi và được Chính phủ đồng ý.

Đặc biệt hơn cả là từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh; Bộ Xây dựng đã rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất rút gọn 118 điều kiện (32,4%) trong tổng số khoảng 345 điều kiện… Nổi bật nhất là Bộ Giao thông Vận tải đã công bố phương án cắt giảm, đơn giản 384/570 điều kiện kinh doanh, tương đương 67,36% các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải (Quyết định số 767/QĐ - BGTVT ngày 17/4/2018 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký). 

Bên cạnh đó, còn một số bộ tuy chưa công bố nhưng đã có kết quả rà soát, đề xuất phương án cắt giảm và bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Ví dụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 212 điều kiện kinh doanh, đã cắt giảm 29 điều kiện năm 2017 và dự kiến tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 64 điều kiện. Như vậy, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh Bộ dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa là: 91/212 điều kiện, chiếm 42,9%. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang đề xuất bãi bỏ và đơn giản 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm khoảng 60%, trong đó bãi bỏ 69 điều kiện, đơn giản hóa 30 điều kiện, bãi bỏ 10 thủ tục hành chính, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6 tới. Về danh mục các sản phẩm phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành, Bộ dự kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với 38 hàng hóa, sản phẩm và đơn giản hóa 36 hàng hóa còn lại.

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo rà soát, đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43 trong số 98 điều kiện kinh doanh thuộc 7 ngành, nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đạt tỷ lệ 44%. Bộ cũng đã có ý kiến đối với 71 thủ tục hành chính tại 18 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL. Trong đó, đã đề nghị sửa đổi 57 thủ tục không hợp lý, chiếm tỷ lệ 80,28% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhất là văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm, bãi bỏ các quy định về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và tổ chức thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Tuy nhiên, cần nhận thức rõ rằng cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, nhưng không vì lý do đó mà đưa ra những rào cản hữu hình, vô hình. 

Với sự quyết tâm trên đây của nhiều bộ, ngành, Chính phủ vừa biểu dương 7 bộ dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh. Theo đó, Bộ Tư pháp và 6 bộ khác gồm Công Thương, Giao thông Vận tải, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội được biểu dương vì đã công bố chương trình, kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành để sớm triển khai thực hiện. 

Đọc thêm