Bộ Tư pháp thống nhất nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một đơn vị”

Chiều qua (9/5), chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai Nghị định số 22/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh, việc tổ chức thi hành Nghị định này không chỉ là trách nhiệm của toàn ngành Tư pháp mà còn là thực hiện công việc chung của Chính phủ.

Chiều qua (9/5), chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai Nghị định số 22/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/5/2013), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh, việc tổ chức thi hành Nghị định này không chỉ là trách nhiệm của toàn ngành Tư pháp mà còn là thực hiện công việc chung của Chính phủ.

Ngành Tư pháp được giao nhiều nhiệm vụ mới

Báo cáo về tình hình triển khai Nghị định số 22, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Văn Quảng cho biết, đến nay đã tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị định; xây dựng Dự thảo Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ; xây dựng Dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ; ngoài ra, còn xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Tư pháp; Dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương; xây dựng Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp… Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị để kiện toàn tổ chức, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ; các đơn vị thuộc Bộ sẽ tập trung xây dựng, đề xuất về vị trí việc làm của đơn vị mình…

Theo Nghị định 22, ngành Tư pháp được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới và để bảo đảm hiệu quả, đòi hỏi phải phân công cho các đơn vị phù hợp. Dự kiến, nhiệm vụ có ý kiến về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, phối hợp với các đơn vị xây dựng pháp luật trực tiếp thực hiện; hoặc sẽ giao Văn phòng Bộ tiếp nhận, tham mưu lãnh đạo Bộ giao cho các đơn vị chuyên môn.

Đối với nhiệm vụ là Cơ quan quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Cơ quan thường trực của Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế, nhiệm vụ này được xác định là thực hiện cùng với việc nghiên cứu, phân công đơn vị thực hiện nhiệm vụ tương trợ tư pháp, do đó có thể sẽ giao Vụ Hợp tác quốc tế hoặc Vụ Pháp luật quốc tế.

Một việc chỉ do một đơn vị thực hiện

Cũng nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị định 22, Bộ Tư pháp sẽ phân định lại một số chức năng, nhiệm vụ đang được giao cho các đơn vị thuộc Bộ theo tinh thần “một việc chỉ giao cho một đơn vị, nhưng một đơn vị thì thực hiện nhiều nhiệm vụ”.

Chẳng hạn, về nhiệm vụ pháp điển hệ thống QPPL và hợp nhất VBQPPL, dự kiến 2 phương án là giao Cục Kiểm tra VBQPPL hoặc tiếp tục giao cho 2 đơn vị như hiện nay là Vụ Các vấn đề chung (nhiệm vụ pháp điển), Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (nhiệm vụ hợp nhất). Về nhiệm vụ tương trợ tư pháp, sẽ cân nhắc để bảo đảm mối tương quan hài hòa về khối lượng công việc, nhiệm vụ của hai đơn vị là Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Pháp luật quốc tế. Về nhiệm vụ cải cách hành chính, cũng có 2 đơn vị được lựa chọn là Văn phòng Bộ hoặc Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC)…

Sau khi nghe góp ý của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, việc giao nhiệm vụ phải đi kèm với bộ máy, biên chế cụ thể. Người đứng đầu ngành Tư pháp đồng tình với nhiều đề xuất phân công nhiệm vụ như giao nhiệm vụ kiểm soát TTHC cho Cục Kiểm soát TTHC; bổ sung nhiệm vụ của Vụ Tổ chức cán bộ trong việc giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh niên; nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành án hành chính sẽ tiếp tục giao Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện; nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, trước mắt giao Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính là đầu mối… Đối với những đề xuất phân công nhiệm vụ còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét để thống nhất đầu mối.

“Vấn đề quan trọng là Cục Công tác phía Nam, đề nghị nghiên cứu thêm kinh nghiệm của một số Bộ, ngành, làm sao để tiếp tục đổi mới về chất so với mô hình trước đây và bảo đảm không chồng lấn nhiệm vụ, phối hợp tốt với các đơn vị thuộc Bộ” – Bộ trưởng nhấn mạnh. Cũng theo Bộ trưởng, cần lưu ý một số vấn đề chưa được nêu trong Nghị định nhưng trong thời gian qua Bộ Tư pháp đã tiến hành như trả lời kiến nghị cử tri, chuẩn bị trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, quy định mới về Người phát ngôn…

Thục Quyên

Đọc thêm