'Bố với các bác đang đi chống dịch, con ở nhà ngoan, hết dịch bố sẽ về'

(PLVN) - Đó là đoạn hội thoại mà tôi tình cờ nghe được của Đại úy Nguyễn Việt Hà, cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), lúc anh gọi điện về cho gia đình.
Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Hoành Mô sưởi ấm bên bếp củi tự tạo
Cán bộ, chiến sỹ Biên phòng Hoành Mô sưởi ấm bên bếp củi tự tạo

Dưới thời tiết giá rét, sương mù dày đặc, tại huyện biên giới Bình Liêu - mảnh đất địa đầu Tổ quốc, Đại úy Nguyễn Việt Hà dẫn đường cho chúng tôi đi thăm một số chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Bình Liêu.

Đại úy Hà cho biết, tổ công tác Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô thường xuyên đi kiểm tra dọc tuyến biên giới, kết hợp tuyên truyền nhắc nhở người dân tại các thôn, bản, cũng như bà con tham gia giao thông qua lại khu vực biên giới, nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Xuất phát từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, vượt qua gần 10km đường biên quanh co, nhỏ hẹp, với độ dốc cao, chúng tôi đã đến được nhà bạt dã chiến được lập nên nhằm kiểm soát người và phương tiện ra vào xã Đồng Văn gần cột mốc 1323. Tại mỗi chốt luôn có từ 5 đến 8 người ứng trực, bao gồm cán bộ chiến sĩ Biên phòng và dân quân tự vệ địa phương.

Đại úy Nguyễn Việt Hà tuyên truyền cách phòng chống dịch cho bà con người dân tộc Dao tham gia giao thông trên đường biên giới
Đại úy Nguyễn Việt Hà tuyên truyền cách phòng chống dịch cho bà con người dân tộc Dao tham gia giao thông trên đường biên giới

Tiến lại gần nhà bạt, bên bếp củi khô được các cán bộ chiến sỹ quây lại bằng những viên đá núi, Đại úy Nguyễn Đức Thọ, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Đồng Văn (Đồn Biên phòng Hoành Mô, huyện Bình Liêu) chia sẻ, mấy hôm trước trời mưa liên tục, nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, việc sinh hoạt, tuần tra rất vất vả, nhưng anh em tại chốt luôn động viên cùng nhau vượt gian khó, gồng mình chống dịch.

Chốt cách đơn vị, lại không có điện, không có nước, việc nấu ăn, sinh hoạt rất bất tiện, anh em thay nhau về đơn vị lấy thức ăn, nước uống lên để sinh hoạt.

Mặc dù điều kiện thiếu thốn nhưng anh em vẫn thường xuyên động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện tốt chỉ đạo của chỉ huy đơn vị.

Chúng tôi trở về Đồn Biên phòng sau gần một ngày lên một số điểm chốt dẫn lên các đường mòn, lối mở trên biên giới, con đường quanh co, vắt vẻo, uốn lượn, một bên là vực sâu, một bên là những mỏm đá trên từng sườn núi dựng đứng, với giá rét và sương mù.

Bên ấm trà nóng, Trung tá Đỗ Văn Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô cho biết, huyện Bình Liêu được ví như "Sapa của vùng Đông Bắc", với những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của 96% bà con dân tộc thiểu số cùng những cảnh quan hùng vĩ nơi biên ải, với hơn 43km đường biên giới.

Ngay từ khi có dịch Covid-19, đơn vị đã tiến hành lập các chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới, cũng như tích cực tuyên truyền tới người dân, nhất là đối với bà con sinh sống tại các xã biên giới về cách phòng, chống dịch, ứng trực 24/24h tại các chốt, liên tục tuần tra, kiểm soát người và phương tiện, nhằm ngăn chặn người dân xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới để ngăn chặn dịch.

Đồn Biên phòng Hoành Mô đã căng hàng chục pa-nô tuyên truyền về 6 bước phòng, chống dịch tại các điểm tập trung đông người như chợ, nhà văn hóa thôn, bản. Đồng thời, phát trên một nghìn tờ rơi cho người dân, nhất là những thôn bản nằm sát đường biên giới về cách phòng, chống dịch.

Tạm biệt những ngôi nhà bạt nằm vắt vẻo, lạnh lẽo bên vách núi, chúng tôi thực sự cảm phục những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Họ đang ngày đêm chiến đấu với với “giặc dịch” để bảo vệ sự bình yên trên biên giới cũng như sức khỏe của nhân dân. 

Đọc thêm