Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho hay, chia nhỏ căn hộ đã xây rồi là việc bất đắc dĩ, nhưng số dự án lâm vào tình trạng này không nhiều. Chủ trương chia nhỏ căn hộ chủ yếu nhắm tới những dự án mới chỉ có thiết kế hoặc đã giải phóng xong mặt bằng nhưng đã bán xong rồi…
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Nhắm tới các dự án còn “trên giấy”
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, quan điểm của Bộ Xây dựng là nhà ở cho người thu nhập thấp, giá rẻ nhưng phải đảm bảo chất lượng không thấp. Một trong những giải pháp được lựa chọn nhằm giải quyết lượng hàng bất động sản (BĐS) tồn kho vừa đảm bảo cho người có thu nhập thấp mua được nhà, Chính phủ lựa chọn cách cơ cấu lại diện tích căn hộ đối với các căn hộ diện tích lớn mà trên thị trường hiện đang “bội thực” nguồn cung.
Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo Thông tư nhằm hướng dẫn chia nhỏ căn hộ ra sao, trình tự thế nào cho thuận lợi. Ngân hàng Nhà nước cũng đang soạn thảo thông tư hướng dẫn điều kiện cho vay cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội… Dự kiến, các thông tư này sẽ được ban hành ngay trong quý 1/2013.
“Những việc có thể làm được các địa phương triển khai ngay mà không cần chờ văn bản hướng dẫn, ví dụ rà soát các dự án để quyết định dự án nào tạm dừng, dự án nào điều chỉnh hay tiếp tục triển khai” – ông Nguyễn Mạnh Hà nói – “Bởi vậy chúng ta thấy thị trường BĐS đã có những dấu hiệu tích cực như những dự án đầu tư mới có cơ cấu số căn hộ diện tích nhỏ nhiều hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của nhiều người dân, không khởi công dự án xây dựng căn hộ cao cấp… Như vậy tín hiệu của nhà nước đã được các DN thực hiện”.
Về việc chia nhỏ căn hộ, ông Trịnh Đình Dũng – Bộ trưởng Bộ Xây dựng – cho hay, chia nhỏ căn hộ đã xây rồi là việc bất đắc dĩ, nhưng những dự án trong tình trạng đó không nhiều. Việc cần điều chỉnh lại diện tích căn hộ chủ yếu rơi vào các dự án mới chỉ có thiết kế hoặc đã giải phóng xong mặt bằng nhưng đã bán xong rồi. Đối với những dự án kiểu này cho phép thiết kế lại, chuyển thành nhà ở xã hội; còn những dự án đã xây xong rồi không khuyến khích chia nhỏ nhưng cho phép nếu dự án thực hiện được. Khi nhà ở xã hội bán được thì sẽ kích cầu thị trường BĐS và nhiều người có tiền sẽ nhảy sang đầu tư vào nhà ở cao cấp.
Giảm giá bằng ứng dụng công nghệ
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, điều chỉnh dự án không khó, mà khó ở chỗ cơ quan quản lý có cho hay không, có gây khó khăn hay không? “Về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, chúng tôi sẽ tích cực giúp đỡ các nhà đầu tư, cái gì thuộc thẩm quyền của Bộ sẽ quyết ngay” – ông Dũng cho biết – “Tuy nhiên, cũng phải phụ thuộc vào những khâu nào của dự án cần tháo gỡ, ví dụ, việc điều chỉnh qui hoạch thì theo qui định thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh”.
Bộ Xây dựng cũng sẽ thành lập các tổ công tác phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ, trên nguyên tắc tính toán được từ năm 2013-2015 cần bao nhiêu nhà ở xã hội cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh…., trên cơ sở đó điều chỉnh các dự án. “Điều chỉnh dự án thì chủ yếu thuộc trách nhiệm của địa phương. Các tỉnh vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ cho DN tức là tháo gỡ cho người dân có nhu cầu về nhà ở” – ông Dũng nói.
Từ nay đến 10/4/2013, Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Hiệp hội BĐS Việt Nam phát động cuộc thi “Kiến trúc nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp” tại khu vực đô thị, nhằm tìm kiếm những ý tưởng cho việc đề xuất mới mẫu nhà chung cư (không khống chế số tầng, diện tích sàn mỗi căn hộ tối thiểu là 25m2, tối đa không quá 70m2) và cải tạo mẫu thiết kế đã được phê duyệt, chưa xây dựng (đối với các DN có dự án nhà chung cư căn hộ cao cấp diện tích lớn có nhu cầu chuyển đổi thành nhà chung cư căn hộ diện tích nhỏ). Người tham dự có thể lựa chọn bất kỳ đô thị nào trong cả nước để đề xuất phương án thiết kế theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc nước ngoài. “Đây là cơ hội nhằm đưa công nghệ, trí tuệ vào thiết kế để triển khai hiệu quả, kinh tế hơn nhà ở xã hội” – ông Nguyễn Mạnh Hà nhận định.
Quý Thủy