Mặc dù được phát động rầm rộ, nhưng quá trình thanh tra, kiểm tra, việc phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn còn bộc lộ những bất cập cần rút kinh nghiệm trong những đợt thanh tra sau. Đó là những điều được rút ra sau một tháng triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP năm 2010, diễn ra từ 15-4 đến 15-5.
Lúng túng trong xử lý
|
|||
Mặt hàng trái cây nhập ngoại vẫn chưa được kiểm soát chất lượng. (Ảnh có tính chất minh họa) |
Mặc dù kết quả kiểm nghiệm chất tẩy trắng, sử dụng hàn the, phụ phẩm cấm trong chế biến bún, mì có kết quả âm tính, nhưng theo Thanh tra Chi cục ATVSTP thành phố cho biết, trong tổng số hơn 30 cơ sở sản xuất bún, mì, hầu hết đều thực hiện theo phương pháp thủ công, nhỏ lẻ, nên việc tuân thủ các quy định về môi trường chế biến không bảo đảm. Một số lò bún chứa bột gạo, bột xay trong những thùng cáu bẩn, mất vệ sinh. Nhiều thùng chứa lâu ngày không làm vệ sinh nên đã lên men, đóng nhiều lớp vàng ố và bốc mùi hôi.
Đây chính là điều kiện để phát sinh các bệnh đường tiêu hóa, do sản phẩm bị ô nhiễm bởi những tạp chất bẩn. Vì sản xuất thủ công, gia truyền, nên nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm không đăng ký kinh doanh, mặc dù mỗi ngày họ đưa ra thị trường từ vài trăm kilôgam đến hàng tấn mì, bún tươi. Những cơ sở này cũng “phớt lờ” việc khám sức khỏe cho nhân viên trực tiếp sản xuất. Trong lúc đó, các cơ quan chức năng lúng túng trong việc xử lý vi phạm này. Bởi theo một cán bộ trực tiếp kiểm tra thì, nếu xử phạt tiền đối với những cơ sở nhỏ lẻ trong lần đầu vi phạm thì quá nặng, nhưng nếu chỉ nhắc nhở khắc phục để bảo đảm đúng như các quy định về ATVSTP thì chưa chắc cơ sở thực hiện rốt ráo. Việc xử lý chưa nghiêm các vi phạm như trên cũng là một trong những kiến nghị của Đoàn thanh tra số 3 của Bộ Y tế, sau khi làm việc và kiểm tra thực tế tại thành phố Đà Nẵng vừa qua.
Bỏ ngỏ nhóm thực phẩm ngoại nhập
Trong những năm qua, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ATVSTP của thành phố đạt nhiều tiến bộ, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP đối với cơ sở chế biến, sản xuất và kinh doanh thuộc vào top đầu của nước. Thế nhưng, nhiều người dân vẫn không đồng tình với sự lạc quan của các cơ quan chức năng, bởi nhiều vụ việc được phát hiện gần đây như hạt dưa có độc tố, mỡ thối, kẹo mút phát quang nhiễm chất độc vẫn có mặt trên thị trường Đà Nẵng... khiến người dân luôn lo lắng mỗi khi nói về vấn đề ATVSTP. Họ luôn thắc mắc, “Tại sao cứ mỗi dịp Tết đến là rộ lên các vụ vi phạm nghiêm trọng ATVSTP ngày một nhiều, phải chăng cơ quan chức năng không xử lý nghiêm những vi phạm để răn đe các doanh nghiệp cố tình vi phạm. Không ít người dân cho rằng, trong nhiều năm qua, các lực lượng thanh tra liên ngành đã bỏ quên những nhóm thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài, đó là rượu, trái cây... mà người tiêu dùng rất cần được cơ quan quản lý, cơ quan chức năng thông tin về mức độ độc hại khi sử dụng.
Trái cây Trung Quốc để dài ngày cũng còn tươi rói, nhưng khi cắt ra thì úng, thối, không ăn được. Điều đáng lo là nhóm thực phẩm này đang được tiêu thụ rất mạnh tại thị trường Đà Nẵng. Cho đến nay cũng chưa xác định các nhà sản xuất nước ngoài đã bảo quản bằng hóa chất gì cho trái cây để người tiêu dùng yên tâm. Do vậy, Tháng hành động cũng chính là tháng cao điểm tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm thuộc nhóm thực phẩm nguy cơ cao.
Rõ ràng, những bức xúc của người dân là vấn đề cần được cơ quan chức năng nhìn nhận một cách nghiêm túc, để công tác bảo đảm ATVSTP trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp hơn, sau những đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra như Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP tổ chức hằng năm.
Thanh tra báo trước không hiệu quả |
Bài và ảnh: V.DŨNG