Bối cảnh trận đánh Núi Thành 26-5-1965

Trong nỗ lực tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, triển khai chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” tại miền Nam đầu năm 1965, ngoài việc củng cố hệ thống phòng thủ bảo đảm an ninh cho các sân bay Đà Nẵng và Phú Bài (Huế), Hoa Kỳ còn chủ trương xây dựng thêm một sân bay có đường bay ngắn ở Chu Lai để thực hiện chương trình “Hỗ trợ chiến thuật” (SATS) cho quân đội Nam Việt Nam và cả Hoa Kỳ ở địa bàn hai tỉnh Quảng Tín (1) và Quảng Ngãi, bảo vệ tốt hơn cho sân bay Đà Nẵng về phía nam.

Trong nỗ lực tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, triển khai chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” tại miền Nam đầu năm 1965, ngoài việc củng cố hệ thống phòng thủ bảo đảm an ninh cho các sân bay Đà Nẵng và Phú Bài (Huế), Hoa Kỳ còn chủ trương xây dựng thêm một sân bay có đường bay ngắn ở Chu Lai để thực hiện chương trình “Hỗ trợ chiến thuật” (SATS) cho quân đội Nam Việt Nam và cả Hoa Kỳ ở địa bàn hai tỉnh Quảng Tín (1) và Quảng Ngãi, bảo vệ tốt hơn cho sân bay Đà Nẵng về phía nam.

Xe lội nước của Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Chu Lai ngày 7-5-1965. (Nguồn: The Ohio State University)

Xe lội nước của Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ vào Chu Lai ngày 7-5-1965. (Nguồn: The Ohio State University) 

Ngày 6-5-1965, Đại đội K thuộc Tiểu đoàn 3 của Lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ từ Đà Nẵng được tăng cường vào Chu Lai phối hợp các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa phụ trách an ninh ven biển chuẩn bị đón lực lượng đổ bộ.

Vào 8 giờ sáng ngày 7-5-1965, các đại đội của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến đổ bộ cả bằng đường biển và máy bay trực thăng từ tàu chiến vào Chu Lai. Các đơn vị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ nhanh chóng triển khai chiếm lĩnh các vị trí để tổ chức phòng thủ quanh tọa độ được chọn xây dựng sân bay chiến thuật. Đến cuối ngày, phạm vi phòng thủ của Lữ đoàn 4 đã kéo dài trong một vòng cung từ bán đảo Kỳ Hà qua các ngọn đồi cao ở phía tây và từ đó hướng ra biển. Sườn phía nam của phòng tuyến được trấn giữ bởi Tiểu đoàn Trinh sát của Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ.

Đến trưa ngày 12-5-1965, hoạt động đổ bộ chính thức chấm dứt. Các đơn vị của Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ từ Okinawa đã thay thế dần các vị trí phòng thủ trên sườn phía nam do Tiểu đoàn Trinh sát thuộc Lữ đoàn 3 trấn giữ (2).

Trong những ngày tháng 5 và tháng 6-1965, các đơn vị thuộc Lữ đoàn 4 Thủy quân lục chiến tại Chu Lai hết sức bận rộn trong việc tổ chức bố trí lực lượng phòng thủ quanh khu vực xây dựng sân bay. Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn 4 đảm nhận bảo vệ an ninh cho các nhân viên xây dựng sân bay bằng một đại đội trang bị súng ngắn và súng trường dùng xe tuần canh suốt ngày đêm, một đại đội phụ trách bảo vệ sở chỉ huy, một đại đội chịu trách nhiệm phòng thủ căn cứ, trong khi đại đội thứ tư xây dựng tiền đồn phía trước và tiến hành tuần tiễu quanh khu vực. Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn 4 và Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến cũng thực hiện việc bố trí lực lượng tương tự ở vành đai phòng vệ để bảo vệ căn cứ Chu Lai. Quân đội Hoa Kỳ đã tạo nên một khu vực kiểm soát quanh Chu Lai rộng 104 dặm vuông, với 11 xã, 68 thôn, xóm và số dân  hơn 50.000 người (3).

Như vậy, từ chỗ tăng cường một lực lượng gồm hai tiểu đoàn của Thủy quân lục chiến để bảo vệ an ninh sân bay Đà Nẵng, Hoa Kỳ đã ngày càng sa lầy vào việc tăng viện quân sự cho cả sân bay Phú Bài ở Huế và đổ quân xây dựng sân bay “Hỗ trợ chiến thuật” tại Chu Lai, rồi tiến lên ồ ạt đưa quân trực tiếp tham chiến nhiều nơi khác.

Trước diễn tiến nhanh chóng của tình thế, vấn đề đặt ra cho toàn thể nhân dân Việt Nam là phải đối đầu với các lực lượng quân đội tinh nhuệ cùng những phương tiện chiến tranh hiện đại của Hoa Kỳ như thế nào? Liệu chúng ta có khả năng đương đầu và đánh bại được đối phương không? Phải hành động như thế nào để có thể tiêu diệt được lực lượng quân đội Hoa Kỳ hùng mạnh? Câu trả lời có sức thuyết phục nhất về khả năng tiêu diệt đơn vị lớn của quân đội Hoa Kỳ chỉ được thực hiện lần đầu tiên qua trận Núi Thành vào khuya ngày 26-5-1965 bởi bộ đội địa phương Quảng Nam.

Trong hệ thống phòng vệ căn cứ sân bay Hỗ trợ chiến thuật Chu Lai của Hoa Kỳ, Núi Thành có vị trí rất quan trọng do nằm ở điểm cao có thể bao quát tầm nhìn trên một khu vực rộng lớn, lại ở trong tầm chi viện của các đơn vị pháo binh và không quân Hoa Kỳ tại Chu Lai. Nếu để mất Núi Thành, vành đai phòng vệ bị vỡ và sân bay Chu Lai sẽ bị uy hiếp. Chính vì thế, có một đại đội Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được trang bị hỏa lực mạnh chiếm đóng và triển khai việc bố phòng tại đây.

Song, với cách đánh đặc công, cận chiến, bất ngờ và chớp nhoáng, trong vòng chưa đầy 30 phút, đại đội Thủy quân lục chiến tinh nhuệ đầu tiên của Hoa Kỳ với quân số gấp đôi đã bị đánh bại bởi lực lượng bộ đội địa phương ít người hơn.

Thắng lợi ở Núi Thành đã khiến vành đai phòng vệ sân bay Hỗ trợ chiến thuật Chu Lai của địch bị uy hiếp nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho lính viễn chinh Hoa Kỳ ngay trong những ngày đầu đặt chân đến Việt Nam. Đặc biệt, chiến thắng Núi Thành đã làm nức lòng quân dân miền Nam, tạo niềm tin mãnh liệt cho cả quân và dân ta vào khả năng đánh thắng quân đội Hoa Kỳ, mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà đánh” trên toàn miền Nam.

Phát huy thắng lợi của trận Núi Thành, Quân giải phóng miền Nam đã tiến lên lần lượt đánh bại nhiều đơn vị tinh nhuệ của quân đội Hoa Kỳ, bất chấp cả lúc chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” leo thang và đạt đến đỉnh điểm của sự khốc liệt với hơn nửa triệu quân của Hoa Kỳ và đồng minh hiện diện ở miền Nam giai đoạn 1965-1968.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

(1) Chính quyền Nam Việt Nam chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín.
(2) Jack Shulimson and Major Charles M. Johnson, US Marines in Vietnam the landing and the buildup 1965, Washington D.C., Library of Congress Card No. 78-600120, 1978, p. 33-35.
(3) Jack Shulimson and Major Charles M. Johnson, op.cit, p. 46.

Đọc thêm