Bới tro truy vết kẻ sát nhân (kỳ cuối)

Để phục vụ công tác điều tra, truy bắt tội phạm thì lực lượng giám định kỹ thuật hình sự còn một mảng công việc rất cao cả, nhân đạo: Trả lại danh tính cho những nạn nhân bị biến dạng cơ thể không thể nhận diện được.

Bới tro tìm vết kẻ sát nhân (kỳ cuối): Trả lại tên cho người đã khuất

[links()]Bên cạnh công tác giám định kỹ thuật hình sự bằng ADN, dấu vết vải sợi hay bằng các công tác chuyên môn khác để phục vụ công tác điều tra, truy bắt tội phạm thì lực lượng giám định kỹ thuật hình sự còn một mảng công việc rất cao cả, nhân đạo: Trả lại danh tính cho những nạn nhân bị biến dạng cơ thể không thể nhận diện được.

Xác định danh tính cho người đã mất

Cuối tháng 10/2002, vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Thương mại ITC (số 101 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài số tài sản vật chất trị giá hàng trăm tỉ đồng, “bà hỏa” còn gây ra những mất mát về người không thể bù đắp nổi.

Khám nghiệm hiện trường vụ cháy tại ga Giáp Bát.

Tính đến 17h ngày 31/10/2002, số người tử vong lên tới 60 trường hợp, trong đó có 4 người nước ngoài (1 người Mỹ, 2 người Anh và 1 người Croatia), số người bị thương cũng xấp xỉ gần 100. Thương tâm hơn, có 8 trường hợp tử vong chưa xác định được danh tính bởi ngọn lửa tàn khốc đã khiến thi thể các nạn nhân cháy đen không thể nhận dạng.

Trước đó, tại khu vực Vũ trường Blue tại tầng 3 của Trung tâm thương mại ITC bắt đầu xảy ra hỏa hoạn. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra khắp nơi và phủ kín mọi hướng. Cửa ra bị ngọn lửa bao trùm khiến nhiều nạn nhân hoảng loạn mất phương hướng, mất bình tĩnh kiểm soát tình hình dẫn tới tình trạng xô đạp nhau hòng thoát khỏi biển lửa đã làm cho một số người không kịp rời khỏi hiện trường nên bị thiêu cháy.

Có mặt tại hiện trường, các cơ quan chức năng lập tức bắt tay vào công tác khắc phục sự cố đồng thời đưa các nạn nhân đi cấp cứu, mời người dân đến nhận dạng những người xấu số. Đối với 8 xác người không còn chi tiết nhận dạng, lực lượng chức năng buộc phải trưng cầu giám định ADN.

Cho phóng viên xem cả tập hồ sơ về vụ cháy ITC, Thiếu tá Trịnh Tuấn Toàn (giám định viên Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an) nhớ lại: “Khi nhận được hồ sơ của Công an quận 1 (TP.HCM) gửi đến, chúng tôi đã làm việc liên tục, ngày đêm không nghỉ.

Hiểu mong muốn đến quặn lòng nỗi đau của những người đang chờ được nhận diện con em họ, chúng tôi càng có động lực hơn trong công việc. Anh em trong Trung tâm động viên nhau làm cẩn thận, tỉ mỉ nhưng sớm được chừng nào thời gian là góp phần nhỏ bé vơi bớt nỗi đau đang hiện hữu”.

Giám  định viên Lê Viết Việt tiếp lời: “Sau gần một tuần liền làm việc, các mẫu nạn nhân nữ số 26, 51 và nam số 29, 30, 36, 37 và 40 đã được nhận dạng. Kiểu gene của các nạn nhân này trùng với mẫu lấy từ người thân trong gia đình. Tuy nhiên, với mẫu số 49, dẫu xác định được đây là nữ giới nhưng do nạn nhân bị cháy nặng nhất nên quá trình phân tích gặp không ít khó khăn. Cuối cùng, kết hợp thông tin từ người nhà nạn nhân còn chưa nhận diện được người thân, thông tin từ cơ quan chức năng cũng đã tìm được tên cho chị này”.

Một vụ hỏa hoạn khác là vụ cháy kho hàng tại nhà ga Giáp Bát diễn ra đầu tháng 5/2009. Trong số 5 nạn nhân tử vong, có tới 3 trường hợp đã bị lửa làm biến dạng toàn bộ cơ thể và không thể nhận dạng được bằng mắt thường. Tuy nhiên với sự vào cuộc của Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, những con người xấu số này cũng đã được trả lại tên.

Công việc thầm lặng và cao cả

Nhắc đến mảng công việc xác định danh tính nạn nhân, các giám định viên đều tâm sự với chúng tôi rằng, hơn lúc nào hết, mỗi lần làm công việc nhân đạo này, các anh luôn mong muốn làm tốt nhất những gì mình có thể. Ở những vụ chìm tàu tại Hạ Long, Vân Đồn 2, tàu Dìn Ký mới đây, trong quá trình tìm kiếm thi thể của các nạn nhân, lực lượng giám định kỹ thuật hình sự luôn trong tư thế sẵn sàng cùng với người nhà nạn nhân để vào cuộc xác định danh tính người xấu số.

Không nhớ hết được những vụ việc giám định xác định danh tính mình đã làm, giám định viên Trịnh Tuấn Toàn cho tôi hay: “Công việc nhân đạo giống như xét nghiệm ADN thông thường trong các vụ án. Nếu như mong mỏi của cơ quan điều tra lớn như thế nào để có định hướng tiếp tục phá án, tìm ra thủ phạm thì mong muốn sớm được tìm thấy người thân trong các vụ việc mất tích hay nhận dạng lớn như thế ấy, thậm chí nó còn sâu sắc hơn bởi tình người, tình máu mủ rất thiêng liêng”.

Theo anh Toàn, ngoài xác định danh tính các nạn nhân mất tích, các nạn nhân không thể nhận dạng được thì giám định hài cốt liệt sỹ thông qua phương pháp ADN cũng rất quan trọng. Viện Khoa học hình sự là đơn vị sở hữu phương tiện máy móc hiện đại hàng đầu Việt Nam về giám định ADN nên rất nhiều trường hợp các gia đình liệt sỹ đã tìm đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý để kiểm chứng phần hài cốt mà họ đã tìm về.

Các giám định viên cho biết, mẫu luôn được các anh đưa vào môi trường bảo quản rất nghiêm ngặt để tránh tác động của môi trường làm biến tính. Sau đó, mẫu được tách chiết ADN bằng phương pháp vô cơ sử dụng Chelex 100 Resin. Đến khâu này, các giám định viên sẽ định lượng ADN theo phương pháp sử dụng bộ kít định lượng ADN người.

Công đoạn tiếp theo là nhân bội ADN sử dụng bộ kít Identifiler rồi điện di, phân tích kết quả trên máy phân tích gen 3130 với phần mềm riêng. Có được kết quả rồi, các anh nhanh chóng đối chiếu trên bảng so sánh với các mẫu người thân gửi đến để xác định chính xác tên tuổi nạn nhân cần tìm.

***
54 năm qua, một chặng đường dài phấn đấu và phát triển của ngành khoa học hình sự cả nước đã ghi dấu những chiến công và mốc son khó có  thể nào quên. Cho đến hôm nay, các giám định viên kỹ thuật hình sự trên khắp cả nước vẫn luôn miệt mài với công việc âm thầm và cao cả của mình để góp phần giữ vững bình yên cho cuộc sống nhân dân.

Đức Minh

Đọc thêm